Sáng ngày 9/5, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 theo hình thức trực tuyến. Tính đến 9 giờ, buổi họp có 26 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 2,1 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng tỷ lệ 96,71%.
Trình bày tại đại hội, ông Vũ Thế Phiệt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACV đã thông tin về tiến độ đầu tư các dự án quan trọng. Trong đó, dự án Nhà ga hành khách T2 – Sân bay Phú Bài đã hoàn thành và đi vào khai thác ngày 28/4.
Dự án Nhà ga hành khách T3 - Sân bay Tân Sơn Nhất đã được tháo gỡ về giải phóng mặt bằng, các gói thầu triển khai theo đúng kế hoạch. Hiện tại, dự án đã thi công cơ bản xong phần móng cọc; phần thân đang được đấu thầu, dự kiến cuối quý II hoặc đầu quý III, sẽ khởi công và cuối năm 2024 dự án sẽ hoàn thành để giảm tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ đợi Sân bay Long Thành.
Nhà ga T2 – Sân bay Nội Bài đang trong quá trình triển khai, dự kiến cuối năm sẽ xây dựng phần thân. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Điện Biên cũng đã khởi công và phấn đấu đưa vào khai thác ở cuối năm.
Về Dự án thành phần ba Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành, ông Phiệt cho biết chưa đạt tiến độ do có những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc thực hiện đấu thầu quốc tế. Công ty đang phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát hồ sơ đấu thầu, tổ chức đấu thầu lần hai và kỳ vọng trong quý II sẽ chọn được nhà thầu.
Về năm 2023, ông Phiệt cho rằng sẽ có những yếu tố thuận lợi cho ngành hàng không, du lịch như các chính sách chỉ đạo chung của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và kinh tế vĩ mô; WHO đã chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và Trung Quốc đã có chính sách mở cửa.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn do kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro về lạm phát; nguy cơ suy thoái ở các ước lớn; xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc trong năm nay và giá cả tăng ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng của ACV.
Năm nay, cổ đông của ACV đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng số lượng hành khách qua 21 cảng hàng không (bao gồm cảng Cam Ranh và Đà Nẵng) là 118 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022 và vượt năm 2019.
Vận chuyển hàng hoá dự kiến khoảng 1.353 nghìn tấn, bằng 98% kết quả cùng kỳ, do việc chậm lại của xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến vận tải hàng hoá. Bên cạnh đó, mục tiêu hạ cất cánh tăng 17%, đạt 777 nghìn lượt.
Năm 2023, ACV lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 19.360 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 12% so với năm 2022. Khai thác khu bay dự kiến có doanh thu 2.581 tỷ đồng và chi phí 1.252 tỷ đồng (chênh lệch thu - chi là 1.329 tỷ đồng).
ACV xây dựng nhu cầu vốn đầu tư năm 2023 dự kiến khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung thực hiện các dự án trọng điểm gồm Cảng HKQT Long Thành thành phần 3 – Giai đoạn 1; Xây dựng Nhà ga T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng HKQT Nội Bài; Xây dựng Nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Bài; Xây dựng Nhà ga T2 - Cảng HKQT Cát Bi.
Bên cạnh đó, ông Phiệt cũng cho biết ACV sẽ sớm hoàn thành các vấn đề còn tồn tại như đưa tài sản khu bay hợp nhất về ACV theo quyết định năm 2007. Tập trung thu hồi công nợ để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, hạn chế tối đa trích lập dự phòng.
Đồng thời, báo cáo các cấp thẩm quyền về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2022 nhằm tích luỹ tối đa nguồn lực để đầu tư.
“Về cơ bản Chính phủ đã đồng ý, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng ủng hộ và đang chờ quyết định từ Bộ Tài chính”, ông Phiệt cho biết.
Tại đại hội, cổ đông công ty cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT với ông Nguyễn Tiến Việt. Ông Việt sẽ đảm nhiệm vai trò mới là Phó Tổng Giám đốc của ACV.
Song song đó, ông Nguyễn Ngọc Quý được bầu bổ sung làm Thành viên mới của HĐQT. Ông Quý sinh năm 1973, là Thạc sỹ Luật kinh tế.
Năm 1995 đến năm 2000, ông Quý là giảng viên Học viện Hành chính quốc gia. Sau đó, ông về công tác tại Cục Hàng không dân dụng cho đến năm 2006.
Giai đoạn 2007-2019, ông Quý có thời gian đảm nhiệm các chức vụ quản lý tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Hiện ông Quý đang là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) kể từ năm 2019.
Phần thảo luận:
Tình hình đấu thầu nhà ga Long Thành khi nào hoàn tất?
Ông Vũ Thế Phiệt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACV: ACV được quyết định làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 Cảng HKQT Long Thành từ ngày 11/11/2020.
Đến nay, ACV đã tổ chức thực hiện các hạng mục có thể triển khai. Gói san nền thoát nước đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật và triển khai thực hiện được khoảng 70% khối lượng trên công trường.
Còn phần thiết kế kỹ thuật nhà ga cũng đã hoàn thành và tiến hành tổ chức đấu thầu hạng mục này. Tuy nhiên, qua việc đấu thầu lần một không thành công thì lãnh đạo công ty nhận thấy cần có điều chỉnh để tăng tính hấp dẫn hơn với các nhà thầu quốc tế.
Việc đấu thầu lần hai đã phát hành hồ sơ và dự kiến ngày 12/6 sẽ nộp hồ sơ chào thầu. ACV cũng đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu với sự tham gia của 29 nhà thầu để lắng nghe ý kiến, nên, công ty hy vọng lần này sẽ chọn được nhà thầu uy tín để thực hiện trong quý II hoặc đầu quý III.
ACV đã phát hành hồ sơ đấu thầu tuyến giao thông kết nối với sân bay và trong tháng 6 sẽ có nhà thầu. Các gói thầu liên quan đường băng, sân đỗ cũng sẽ được phát hành trong thời gian tới.
Kế hoạch niêm yết trên HOSE của doanh nghiệp ra sao?
Ông Phiệt: ACV sẽ niêm yết khi có đủ điều kiện. Hiện nay, báo cáo tài chính của công ty vẫn còn ý kiến của kiểm toán về quyết toán cổ phần hoá và tài sản khu bay nên cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo lợi ích của cổ đồng. ACV cũng sẽ báo cáo CMSC để có thể niêm yết trên HOSE khi đủ điều kiện.
Triển vọng về khách du lịch quốc tế năm nay ra sao?
Ông Phiệt: Năm nay khách quốc tế sẽ tăng và thị trường Trung Quốc đã mở cửa từ ngày 15/3. Tổng lượt hành khách 4 tháng đầu năm đạt khoảng 36,4 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo của ACV năm nay khách quốc tế đạt khoảng gần 80% năm 2019, tương đương 30 triệu lượt. Công ty hy vọng từ quý II, khách Trung Quốc sẽ bắt đầu vào Việt Nam và đã có tín hiệu nối lại các chuyến bay từ các thành phố của Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng.
Kế hoạch hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay Long Thành hoạt động là gì?
Ông Phiệt: Tân Sơn Nhất hiện nay đang quá tải. Năm 2019, số khách qua Tân Sơn Nhất khoảng 41 triệu lượt, trong đó, 25 triệu khách quốc nội và 16 triệu khách quốc tế. Công suất chung của hai nhà ga (T1 và T2) chỉ có 28 triệu lượt, trong đó, quốc nội là 15 triệu và quốc tế là 13 triệu. Với dự báo đến năm 2030 thì sản lượng hành khách của Tân Sơn Nhất sẽ vượt công suất.
Do đó, khi nhà ga T3 (Tân Sơn Nhất) hoàn thành vào năm 2024 và sân bay Long Thành xây dựng xong, với dự báo số lượng khách nội địa sẽ từ 45-50 triệu lượt thì sẽ không có chuyện dư thừa.
Đối với việc khai thác, sân bay Long Thành dự kiến khai thác 90% khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và 10% khách nội địa. Ngược lại, 90% khách nội địa sẽ khai thác ở Tân Sơn Nhất, nên khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, cộng với việc quy hoạch đến năm 2050 không mở rộng Tân Sơn Nhất thì sẽ đạt được hiệu quả.
Tiến độ và tổng mức đầu tư các dự án của ACV trong năm nay ra sao?
Ông Phiệt: Hiện nay, ACV chỉ tập trung 6 dự án trọng điểm. Nhà ga T2 - Phú Bài đã hoàn thành và đưa vào khai thác, công suất phục vụ 5 triệu khách, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng. Nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 20 triệu khách.
Sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng; Nhà ga T2 - Nội Bài mức đầu tư 5.000 tỷ đồng và dự kiến dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025; Nhà ga T2 - Cát Bi mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng, đang báo cáo cơ quan có thẩm quyền để duyệt dự án nhưng vướng mắt về thủ tục đất đai và UBND TP Hải Phòng đang phối hợp với ACV để giải quyết vấn đề liên quan đất quốc phòng.
Còn, sân bay Long Thành hiện nay khó khăn lớn nhất là chọn nhà thầu cho gói thầu Nhà ga 5.10, nhưng kỳ vọng sẽ chọn được nhà thầu trong quý II hoặc đầu quý III.
Ngành hàng không đã khôi phục hoàn toàn hay chưa? Chi tiêu du lịch đang như thế nào?
Ông Phiệt: Trong dự báo của công ty, tổng lượng hành khách sẽ vượt năm 2019 dù lượng khách quốc tế thấp hơn. Nhìn chung, ngành hàng không sẽ hồi phục và từ 2024, lượt khách quốc tế sẽ vượt hoặc bằng năm 2019. Từ đó, sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của ACV.
Vấn đề xử lý bụi tại sân bay Long Thành như thế nào?
Ông Phiệt: Đặc thù của đất đỏ là chỉ thi công đại trà được trong mùa khô, mà như vậy sẽ chịu ảnh hưởng của gió nên gây ra bụi. Mặc dù, công ty đã đánh giá tác động môi trường và có nhiều biện pháp nhưng thời tiết cộng với khối lượng thi công rất lớn vẫn gây ra hiện tượng bụi.
Hiện nay, ACV đang chỉ đạo nhà thầu giải quyết vấn đề bụi, bên cạnh đó, chia sẻ, hỗ trợ với người dân khu vực ảnh hưởng bằng cách sử dụng quỹ phúc lợi để tài trợ cho trường học.
Thời gian tới, khi mùa mưa đến và khối lượng công việc không còn nhiều, bụi sẽ giảm bớt.
Nguyên nhân huỷ kết quả gói thầu 5.10 là gì?
Ông Phiệt: Khi chấm thầu (có sự tham gia của các tổ chuyên gia), các nhà thầu không đạt tiêu chí thì buộc phải huỷ kết quả.
Công ty có kế hoạch tăng giá dịch vụ không?
Ông Phiệt: Việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đang nằm trong vấn đề quản lý của Nhà nước. Dưới góc độ doanh nghiệp, ACV muốn tăng nhưng phải chịu sự điều tiết chung của cơ quan quản lý giá.
Ngành hàng không hết sức nhạy cảm vì nó tác động đến các doanh nghiệp khác và kinh tế xã hội của các địa phương có sân bay. Nên ACV cũng sẽ có kiến nghị lộ trình tăng giá phù hợp với chính sách vĩ mô chung của Nhà nước.
Thực tế, công ty đã có kiến nghị tăng giá một lần vào năm 2018. Trong thời gian tới, khi đầu tư thêm vào hạ tầng, dịch vụ thì ACV cũng sẽ có báo cáo với cơ quan quản lý để có lộ tình tăng giá phù hợp. Qua đó, nhằm đảm bảo lợi nhuận, kế hoạch đầu tư của ACV cũng như phù hợp chính sách quản lý vĩ mô chung của Nhà nước.
Nợ xấu tăng nhanh ở năm 2022, ACV có biện pháp gì để xử lý?
Ông Phiệt: Trước đại dịch, ACV hầu như không có nợ xấu nhưng dưới sức ảnh hưởng của COVID-19, đặc biệt, giai đoạn 2020-2021, các hãng hàng không chịu tác động rất lớn, nên công ty có chính sách chia sẻ chung.
Hiện nay, hoạt động bay đã trở lại, ACV đang có kế hoạch thu hồi nợ và các hãng hàng không cũng đang có các đề xuất để có thể vừa chia sẻ với nhau, vừa thu hồi được công nợ nhanh nhất. Từ đó, đảm bảo lành mạnh tài chính cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho ACV, tạo điều kiện để các hãng phát triển.
ACV sẽ có chính sách giãn, hoãn, khoanh lại nợ cũ với thời gian trả nợ hợp lý nhưng, doanh thu mới thì công ty kiên quyết thu đúng, thu đủ. Hy vọng hết năm nay, nợ xấu sẽ giảm dần và công ty sẽ làm sao để không phát sinh nợ mới, đồng thời có lộ trình thanh toán nợ cũ phù hợp.
Kế hoạch xây dựng nhà ga hàng hoá tại Sân bay Long Thành và kế hoạch phối hợp nhà ga hàng hoá của Sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào?
Ông Phiệt: ACV được giao một nhà ga hàng hoá với công suất 500.000 tấn tại Long Thành và theo định hướng khai thác khả thi thì 90% lượng khách quốc tế sẽ qua Long Thành. Do đó, công ty sẽ xây dựng phương án khai thác hàng hoá đi theo khách quốc tế tại đây.
Còn với tàu chở hàng hoá, thì sẽ có các phương án để thu hút các chuyến bay hàng hoá tại Long Thành. Vì với cơ sở hạ tầng tốt hơn tại đây, TP HCM sẽ giảm tải được áp lực giao thông nội thành.
ACV có đầu tư và sở hữu khu bay tại Sân bay Long Thành không?
Ông Phiệt: ACV đầu tư toàn bộ hạ tầng thiết yếu trong đó có khu bay và sẽ khai thác khu bay này. Theo dự báo, nếu không có rủi ro như đại dịch thì thời gian hoàn vốn khoảng 14 năm.