Tại kỳ họp này, Chủ tịch HĐQT Gelex, ông Nguyễn Hoa Cương đã công bố tờ trình về việc miễn nhiệm ông Võ Anh Linh khỏi chức vụ thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm. Cổ đông cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên mới nhiệm kỳ 2021 - 2026 thay thế ông Linh.
Ông Lê Bá Thọ, tân thành viên HĐQT Gelex. (Ảnh: Gelex).
Ứng cử viên cho vị trí này là ông Lê Bá Thọ (sinh năm 1981). Kết quả, ông Thọ trúng cử vào HĐQT doanh nghiệp.
Trước đó, vào tháng 10/2021, ông Thọ đã trở thành Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng Gelex và ngày 21/4/2022 được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của Gelex. Ngoài hai vị trí trên, hiện, ông Thọ cũng đang là thành viên HĐQT Viglacera kể từ ngày 26/4/2022 và là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn kể từ năm 2020.
Trong giai đoạn 2015 – 2019, ông Thọ từng giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác, gồm CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans – STG), CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex (VTX), Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowatco - SWC), CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi – CAV).
Giai đoạn từ tháng 2/2021 đến ngày 19/4/2022, ông Thọ từng là Chủ tịch HĐQT tại Tổng công ty Idico - CTCP (IDC).
Hiện, ông Thọ không nắm giữ cổ phiếu GEX nào.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, năm 2021, nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh Viglacera đã đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Gelex và đưa công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần 28.578 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.057 tỷ đồng, lần lượt đạt 100,1% và 160,1% kế hoạch.
Ông Tuấn cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 27% so với thực hiện năm 2021.
Về hoạt động bất động sản năm nay, đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, ông Tuấn cho biết, Gelex sẽ tiếp tục đầu tư kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (KCN), KCN kết hợp đô thị, dịch vụ và các hạ tầng, dịch vụ phụ trợ.
Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các KCN mới và khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoản 4.300 ha KCN/tổ hợp KCN - dịch vụ - đô thị mới.
Đối với mảng bất động sản thương mại, Gelex cho biết sẽ phát triển khu nhà ở xã hội, bất động sản thương mại giá rẻ cho người có thu nhập thấp, các khu đô thị, khu dịch vụ - đô thị và nhà ở xã hội cũng như tiếp tục đầu tư các dự án bất động sản cao cấp sẵn có, rà soát lại quỹ đất hiện tại, hoàn thiện thủ tục, nghiên cứu chuyển đổi công năng một số khu đất hiện có và phát triển quỹ đất mới cho các dự án khu đô thị, nhà ở.
Đối với mảng vật liệu xây dựng, công ty sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu, tái định vị và phát triển thương hiệu, đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất sử dụng công nghệ cao và tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị không hiệu quả như lĩnh vực gạch ngói đất sét nung.
Ông Tuấn cũng cho biết, năm nay, công ty sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric.
Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục M&A (qua công ty mẹ và các đơn vị thành viên) theo chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi. Trước đó, trong năm 2021, Gelex định hướng M&A vào hai lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp và hạ tầng, mở rộng đầu tư phát triển KCN và đã hoàn thành tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC).
Công ty cũng cho biết, năm 2021, thông qua Gelex Hạ tầng, công ty đã mở rộng làm việc với các đối tác và xem xét các giao dịch M&A dự án điện/nước/bất động sản tiềm năng. Đối với mục tiêu nâng sở hữu tại công ty liên kết CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn đã lên kế hoạch thực hiện từ năm ngoái, Gelex cho biết sẽ chuyển tiếp sang năm 2022.
Cũng tại kỳ họp ĐHĐCĐ này, Phó Chủ tịch HĐQT Gelex, ông Nguyễn Trọng Tiếu đã trình báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phần theo nghị quyết tại ĐHĐCĐ năm ngoái. Theo đó, số tiền Gelex đã sử dụng đến thời điểm cuối tháng 3/2022 là 2.284 tỷ đồng, tương đương 65% tổng số tiền theo phương án được thông qua.
Trong đó, công ty đã sử dụng toàn bộ 1.215 tỷ đồng theo kế hoạch để bổ sung nguồn vốn lưu động và còn gần 1.069 tỷ đồng chưa sử dụng để triển khai các dự án nhà máy điện gió và dự án Tổ hợp khách sạn, dịch vụ, thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Gelex cho biết, liên quan đến số vốn này, công ty sẽ có tờ trình tại ĐHĐCĐ này về phương án sử dụng điều chỉnh chi tiết.
Cụ thể, đối với các dự điện gió, các dự án Gelex 1,2,3 và Hướng Phùng 2,3 đã hoàn thành, phát điện thương mại và không phát sinh nhu cầu về vốn, do đó, số vốn sau điều chỉnh là 920 tỷ đồng, bằng số tiền đã sử dụng trong năm 2021.
Số vốn cho hai dự án bất động sản sau điều chỉnh là 1.000 tỷ đồng, cao gấp đôi phương án ban đầu để đáp ứng nhu cầu đầu tư tại các dự án. Nguồn vốn 800 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho CTCP Thiết bị điện Gelex không đổi. Số tiền còn lại sau khi điều chỉnh các mục trên sẽ được công ty thêm bổ sung vào vốn lưu động và/hoặc trả nợ trước hạn trái phiếu.
- Ban lãnh đạo đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh thế nào?
Chủ tịch HĐQT Gelex, ông Nguyễn Hoa Cương: đối với tình hình hiện nay, công ty sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm 2022.
- Kế hoạch đầu tư năm 2022
Công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 11.391 tỷ đồng. Về khối thiết bị điện, công ty sẽ đầu tư khoảng 528 tỷ đồng. Đối với khối hạ tầng, không kể Viglacera, tổng đầu tư khoảng 4.607 tỷ đồng, bao gồm tiếp tục giai đoạn 2 dự án nước Sông Đà và các dự án năng lượng. Đối với Viglacera, công ty sẽ đầu tư 4.713 tỷ đồng, đồng thời đầu tư các dự án bất động sản ngắn hạn 542 tỷ đồng.
- Giải thích về nợ tăng khủng
Theo lãnh đạo công ty, nợ tăng do công ty hợp nhất kinh doanh của Viglacera với tổng giá trị hợp nhất vào khoảng 13.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm vừa rồi công ty cũng hoàn thành cột điện gió và đã huy động 3.200 tỷ đồng để đầu tư các dự án này. Bên cạnh đó, khoản vay 3.000 tỷ đồng đến từ chủ trương của HĐQT trong tái cấu trúc các khoản vay, chu kỳ vay dài hơn, lãi suất thấp hơn để phục vụ đầu tư chiến lược trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
- Trên báo cáo 2021, dự phòng khoản phải thu khó đòi tăng mạnh, khả năng thu hồi như thế nào, giải thích về tồn kho tăng mạnh:
Theo lãnh đạo công ty, các khoản này tăng do trong năm 2021, công ty đã hợp nhất với Viglacera. Về khả năng thu hồi, lãnh đạo công ty khẳng định, trích lập khoản phải thu khó đòi là theo quy định của pháp luật, nhưng không có nghĩa là sẽ mất và công ty vẫn cố gắng thu hồi các khoản nợ này.
- Quy trình phát hành trái phiếu, M&A có đúng quy định không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, việc phát hành trái phiếu của công ty là cho các định chế tài chính nước ngoài lớn và ngân hàng lớn trong nước, công ty đã tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với việc M&A doanh nghiệp nhà nước, ông Tuấn cho biết, Gelex chào mua công khai, khớp lệnh đúng quy định, đồng thời khẳng định Gelex nlà doanh nghiệp lớn của Việt Nam, do người Việt Nam sở hữu.
- Triển vọng công ty, chủ trương hỗ trợ khi cổ phiếu GEX giảm:
Ông Tuấn cho biết, việc hợp nhất Viglacera làm tăng quy mô tài sản, tăng doanh số và lợi nhuận. Năm 2021 là một minh chứng, vượt tất cả chỉ tiêu đặt. Năm 2022, công ty sẽ phấn đấu thực hiện kế hoạch đã đặt ra.
Về cổ phiếu, ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực hết sức khi có những tin đồn thất thiệt và sẽ công bố thông tin, làm việc với cơ quan báo chí để đưa thông tin chính thống. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết bản thân đã mua 10 triệu để đầu tư lâu dài.
Kết thúc Đại hội, các tờ trình đều được thông qua.