ĐHĐCĐ Viglacera: Hướng đến kỷ lục lãi mới, lên kế hoạch gom thêm 2.200 ha đất làm KCN và nhà ở

Năm 2022, Tổng công ty Viglacera đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng. Giai đoạn đến 2023, doanh nghiệp sẽ đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở, nghỉ dưỡng.

Sáng ngày 26/4, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. 

Năm 2021 vừa qua ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục của Viglacera. Báo cáo của lãnh đạo công ty, lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty đạt 1.541 tỷ đồng, tương ứng 154% kế hoạch năm. Trong đó lợi nhuận của công ty mẹ đạt 1.149 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch năm 2021.

 ĐHĐCĐ thường niên 2022 Viglacera. (Ảnh: Hoàng Huy).

Hướng đến lập kỷ lục lãi mới

Bước sang năm 2022, doanh nghiệp trình kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 110% và 134% kết quả thực hiện năm 2021.

Riêng công ty mẹ, Viglacera dự kiến doanh thu năm nay đạt 6.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 4% so với năm 2021. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% (năm 2021 là 15%).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa công bố, Viglacera đã thực hiện 3.833 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lãi trước thuế, tương ứng 25,5% và 53% kế hoạch năm nay.

Tiếp tục dồn lực cho mảng vật liệu

Tại đại hội, cổ đông Viglacera đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022. Đối với lĩnh vực vật liệu, công ty sẽ tập trung triển khai dự án Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (Dự án mua Nhà máy Bạch Mã và đầu tư bổ sung) và đưa vào khai thác đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển, tăng sản lượng và đa dạng các dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, gương cao cấp, các sản phẩm kính gia công sau kính chất lượng cao.

Viglacera sẽ đầu tư một số dự án mới, trong đó nghiên cứu triển khai đầu tư Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ Giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày; đầu tư kho thành phẩm, nhà kho cho thuê tại Nhà máy Mỹ Đức và Nhà máy gạch Viglacera Eurotile. Khảo sát, đầu tư mở rộng và đầu tư mới các mỏ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu triển khai dự án sản xuất nắp bệt và phụ kiện sứ vệ sinh, dự án sản xuất bao bì tại KCN Mỹ Xuân, đầu tư phát triển sản phẩm đất sét nung theo công nghệ mới...

Tham vọng mở rộng quỹ đất 2.200 ha

Mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN) vốn là động lực tăng trưởng cho Viglacera, năm nay cũng sẽ có nhiều chuyển động mới. Giai đoạn năm 2022 - 2023, Tổng công ty chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha KCN.

Cụ thể, Viglacera sẽ khởi công mới KCN Thuận Thành I (263 ha) tại Bắc Ninh. Chuẩn bị đầu tư mới các KCN Đông Mai mở rộng - Quảng Ninh (145 ha); Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (329 ha); Phú Hà - Phú Thọ (100 ha); Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha); khu A KCN Phong Điền - Thừa Thiên Huế (120 ha).

Ngoài ra, công ty cho biết sẽ khảo sát nghiên cứu tại các địa phương mới, theo đó, sẽ thành lập các pháp nhân mới để triển khai các dự án KCN Phù Ninh tại Phú Thọ (450 ha), KCN Đông Triều tại Quảng Ninh (425 ha), Tổ hợp KCN - đô thị - dịch vụ tại Yên Bái (380 ha), KCN Hòa Lạc - Hữu Lũng - Lạng Sơn (560 ha), Tổ hợp KCN - đô thị - dịch vụ (900 ha) tại Khánh Hòa và các KCN phía Nam và các địa điểm khác.

Trong mảng khu đô thị và nhà ở, giai đoạn 2022 - 2023, Tổng công ty chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.

Cụ thể, đối với phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân tại các KCN, công ty cho biết mỗi KCN sẽ có tối thiểu một khu nhà ở với diện tích khoảng 8 - 10 ha. Triển khai dự án NƠXH tại Kim Chung; NƠXH 9,8 ha tại Yên Phong, Bắc Ninh; Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn 4, Phú Hà.

Công ty cũng sẽ khởi công mới các dự án ở công nhân tại KCN Đông Mai, KCN Hải Yên và tham gia công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH tại Tiên Dương, Đông Anh, TP Hà Nội.

Đồng thời, khảo sát và chuẩn bị phát triển các dự án NƠXH KCN Phú Hà (Phú Thọ), Khu đô thị - dịch vụ Đông Triều (Quảng Ninh), Khu nhà ở công nhân KCN Tiền Hải (Thái Bình).

Đối với phân khúc nhà ở thương mại, công ty có kế hoạch tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm ba dự án, gồm Khu đô thị mới Tây Bắc, TP Bắc Ninh với quy mô 25,6 ha; Khu dịch vụ, đô thị và NƠXH cho người lao động trong KCN Yên Phong II tại tỉnh Bắc Ninh với quy mô 95 ha và Khu đô thị - dịch vụ Phù Ninh, Phú Thọ với quy mô 70 ha.

Ngoài ra, Viglacera sẽ nghiên cứu phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có để đầu tư khu nhà ở, dịch vụ tại khu đất 12,5 ha của Nhà máy Kính Đáp Cầu (TP Bắc Ninh).

Đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Viglacera cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (Quảng Ninh) giai đoạn 1 với quy mô 35 ha. Tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch 1/500 cho giai đoạn 2 với quy mô 40 ha.

Sẽ tăng sở hữu tại các công ty thành viên

Đối với đầu tư tại nước ngoài, công ty sẽ đầu tư tại Cuba thông qua việc triển khai giai đoạn 2 tại các Dự án KCN ViMariel và Dự án Liên doanh SanVig.

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo Viglacera trình phương án tăng vốn tại Công ty ViMariral – CTCP từ 10 triệu USD lên 19 triệu USD (VGC nắm tối thiểu 99,94% vốn) để thực hiện dự án phát triển hạ tầng KCN ViMariel. Đồng thời, dự kiến tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) lên 1.886 tỷ đồng (VGC nắm giữ 55% vốn).

Ở chiều ngược lại, Viglacera sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói đất sét nung, như CTCP Gạch ngói Từ Sơn, CTCP Gốm xây dựng Yên Hưng, CTCP Từ Liêm,…

Phần hỏi đáp với cổ đông:

Tỷ suất lợi nhuận ở mảng vật liệu năm 2022 như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Viglacera: Về tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực vật liệu, chúng tôi đang phấn đấu là 50 – 50, 30% từ lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là khu công nghiệp) và 50% từ lĩnh vực vật liệu.

Trong lĩnh vực vật liệu chúng tôi sẽ tập trung vào mảnh kính. Ngoài ra, năm 2022 công ty sẽ ăn được hưởng trọn lợi nhuận của Kính Phú Mỹ, năm ngoái đã nâng tỷ lệ sở hữu của VGC lên 65%.

Kế hoạch mở rộng quỹ đất 2.000 ha KCN có khả thi hay không?

ÔngNguyễn Anh Tuấn: Để làm một dự án bất động sản thường mất khoảng 3 – 5 năm. Giai đoạn hiện nay các tỉnh và thành phố đang lập quy hoạch tầm nhìn đến 2030. Sau khi có quy hoạch, đây là cơ hội để công ty nhanh chóng đăng ký và tiến hành các thủ tục đấu thầu chủ đầu tư.

Hiện chúng tôi đang tích cực đi làm việc với các địa phương, quỹ đất 2.000 ha là mức tương đối khả thi, tất nhiên là đang ở bước tài trợ quy hoạch, còn lâu để được giao làm chủ đầu tư. Phải hiểu ở đây công ty chưa được giao 2.000 ha đất.

Lợi nhuận quý I/2022 tốt song kế hoạch cả năm vẫn khiêm tốn?

ÔngNguyễn Anh Tuấn: Tình hình quý II và quý III vẫn sẽ bị ảnh hưởng nặng do thị trường bất động sản còn khó khăn do tín dụng bị thắt chặt và trái phiếu cũng bị siết chặt. Do đó, công ty vẫn tính phương án an toàn.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.