Người đi bộ vô tư sai luật mặc dù có thể đối diện với án tù. Ảnh: Di Linh |
Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260), chủ thể tội phạm được mở rộng thành "người tham gia giao thông đường bộ" và người đi bộ sai luật gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 260, người tham gia giao thông phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Trao đổi với chúng tôi về những nội dung trên, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết:
"Trước đây, người đi bộ không phải là chủ thể tội phạm nhưng giờ bổ sung vì xuất phát từ thực trạng nhiều người đi bộ vi phạm và gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trong khi đó chỉ xử lý được tội Vô ý làm chết người và mức hình phạt khá nhẹ, không tương ứng với hành vi, cũng như bản chất vi phạm. Từ 1/1/2018, người đi bộ phạm luật cũng phải chịu trách nhiệm như những chủ thể khác (người điều khiển phương tiện)".
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, mức phạt tù đến 15 năm "không phải là cao và còn phụ thuộc vào hậu quả pháp lý, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và lỗi của người vi phạm".
"Phạt tù từ 7-15 năm là nhằm bình đẳng với tất cả, bình đẳng với cả người điều khiển phương tiện xe cơ giới. Ví dụ, người điểu khiển ô tô gây tai nạn khiến 3 người chết sẽ ngang với người đi bộ gây tai nạn làm 3 người chết.
Người đi bộ gây tai nạn giao thông thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là bình thường. Phạt tù từ 7-15 năm là khung hình phạt người đi bộ sai luật gây hậu quả có thể đối mặt, còn quyết định hình phạt như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về mặt lý thuyết, người đi bộ có thể đối mặt với mức án tối đa như vậy nhưng thực thế rất khó xảy ra.
Bên cạnh đó, việc đưa người đi bộ thành đối tượng xử lý của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là nhằm nâng cao nhận thức của công dân khi tham gia giao thông", luật sư Tuấn Anh nói.
Người đi bộ sai luật có thể bị phạt tù đến 15 năm. Ảnh: Di Linh |
Cũng theo ông Tuấn Anh, hậu quả của hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của người tham gia giao thông đều xuất phát từ "lỗi vô ý, ngoài mong muốn".
"Khi xử phạt cần cân nhắc để phù hợp với các tình tiết của vụ việc. Trong các trường hợp có đường, cầu, hầm... dành cho người đi bộ mà vẫn vi phạm thì phải bị xử lý.
Trường hợp vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường mà gây hậu quả nghiêm trọng thì ngoài việc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người trực tiếp vi phạm thì các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc còn phải xem xét trách nhiệm liên đới và xử lý đối với các đối tượng đã thực hiện hoặc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để dẫn tới hậu quả của tội phạm.
Trường hợp buộc phải đi xuống lòng đường là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt chứ không phải miễn trừ", luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.
Mặc dù từ 1/1//2018, hành vi đi bộ sai luật sẽ bị xử nặng tuy nhiên ghi nhận của chúng tôi tại Hà Nội cho thấy tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt nhiều nơi có hầm, cầu vượt nhưng người đi bộ vẫn "vô tư" băng qua đường.
Lên phố đi bộ Hồ Gươm chơi Tết, "méo mặt" giá gửi xe máy 120.000 đồng
Người dân lên phố đi bộ Hồ Gươm đón Tết, "méo mặt" vì một số điểm gửi xe "chặt chém" với giá dao động từ ... |
Những mảnh đời mưu sinh trên phố đi bộ ngày cuối cùng của năm 2017
Trong ngày cuối cùng của năm 2017, nhiều người vẫn vất vả mưu sinh trên phố đi bộ ở Hà Nội giữa dòng người đón ... |