'Đi giữa mùa vàng' cùng hoa tam giác mạch với chuyến du lịch Mù Cang Chải của nữ travel blogger

Mù Cang Chải mùa lúa chín và hoa tam giác mạch đang là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch. Dưới đây là một vài gợi ý "bỏ túi" của nữ travel blogger giúp bạn có chuyến đi suôn sẻ.


Thời điểm nào nên đi Mù Cang Chải?

"Mù Cang Chải có 2 mùa đẹp nhất là mùa lúa chín (từ giữa tháng 9 đến tháng 10), và mùa nước đổ (tháng 5 và 6). Chuyến đi này mình lựa chọn mùa lúa chín, đây cũng là lúc diễn ra các lễ hội văn hoá lớn ở Mù Cang Chải", Quỳnh Hương - nữ travel blogger chia sẻ.

Di chuyển

Quỳnh Hương cho biết, "Mù Cang Chải có đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam nên được rất nhiều các phượt thủ hoặc các bạn đam mê chinh phục đèo lựa chọn đi xe máy, đèo này cũng không quá khó đi như Hà Giang, nhưng sẽ khó tương tự như đèo đi Mộc Châu (nếu bạn nào đã từng đi sẽ cảm nhận được). Nên tránh đi trời mưa hoặc tối vì rất trơn trượt và nguy hiểm. Và nếu đi thành đoàn các bạn nên đi tách nhau đủ xa một chút, tránh va chạm.

Từ Hà Nội đi Mù Cang Chải di chuyển bằng xe khách sẽ mất tầm 6-7 giờ, xe giường nằm giá vé 250 nghìn đồng/ người. Bạn có thể đi xe khách đến Nghĩa Lộ rồi tiếp tục thuê xe máy đến xã Tú Lệ để tham quan các bản rồi tiếp tục đi lên Mù Cang Chải. Giá thuê xe máy 150-200 nghìn đồng/ ngày.

Vì mình thích đi trải nghiệm cả 2 nên mình lựa chọn đi xe khách đêm đến Nghĩa Lộ nghỉ đêm, rồi hôm sau bắt xe lên Tú Lệ và Mù Cang Chải (khoảng 80 km). Chiều về mình tìm được một bạn cũng độc hành bằng xe máy nên hai đứa đã kết bạn và về xe máy cùng nhau khá vui".

Lưu trú

Nếu đến Mù Cang Chải vào dịp lúa chín thì các nhà nghỉ sẽ thường hết phòng, vào cuối tuần rất khó đặt, nên các bạn hãy gắng đặt sớm hoặc tránh cuối tuần.

Nếu bạn thích nơi sang chảnh nghỉ dưỡng thì có thể lựa chọn resort Lechamp Tú Lệ, mới được xây dựng và khai trương, nằm ngay trên đường chính xã Tú Lệ (bạn đi qua là thấy liền), một trong những địa điểm "check-in" siêu lí tưởng.

Một số nơi nghỉ bình dân hơn có các homestay ở Mù Cang Chải như Suối Kim, Bình Yên, Lanh Thu, Hà Hợi... đều thuộc dạng các khu nhà sàn nằm cạnh nhau, và đều thuộc bản Thái huyện Mù Cang Chải. Các bạn cứ vào bản Thái là sẽ thấy một loạt các dãy nhà sàn homestay, giá phòng dorm 100-200 nghìn đồng/khách.

Trường hợp hết phòng bạn có thể ngủ tại các nhà nghỉ ở Nghĩa Lộ hoặc Tú Lệ. Giá phòng khoảng 200-300 nghìn đồng/ khách

Nếu không tìm được nơi nào để nghỉ, bạn hoàn toàn có thể vào nhà dân hỏi và xin ngủ nhờ, giá có thể cao hơn đôi chút.

Ăn uống

Quỳnh Hương cho biết, ở Mù Cang Chải có khá nhiều món ăn ngon như: Xôi nếp Tú Lệ, cốm Tú Lệ, gà nướng, cá nướng, táo mèo, châu chấu rang, thịt trâu gác bếp, rau dớn nộm... Hầu như các đặc sản Tây Bắc đều có ở Mù Cang Chải để bạn có thể mua về làm quà và thưởng thức.

Nếu các bạn ăn ở homestay trong bản có thể dặn họ làm, nhưng mình thấy ăn ở homestay thường không ngon và đắt, nên bạn có thể chịu khó phóng xe ra trung tâm ăn.

Các điểm check-in không thể thiếu khi đến Mù Cang Chải

Từ kinh nghiệm sau chuyến đi của bản thân, Quỳnh Hương đã đưa ra gợi ý về một số điểm tham quan: "Bản Lìm Mông, thung lũng Tú Lệ, suối nước nóng, đèo Khau Phạ, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, cầu Ba Nhà, đồi Mâm Xôi, đồi Móng Ngựa (đường đi rất khó), bản Thái, chợ phiên, hoa Tam Giác Mạch (trên đèo rất nhiều nhưng đều mất phí 10 nghìn đồng để vào chụp ảnh), hoa cúc cam...

Nếu bạn đi tour thì một số điểm đẹp vắng người sẽ không vào được, vì chỗ đó đường đồi hẹp chỉ đủ một xe máy leo lên, còn ô tô thì không đi được, nên các tour thường không qua mấy chỗ đẹp ngút ngàn.

Lưu ý: Các dịch vụ ở đây gần như phát triển theo mô hình kiểu Sa Pa, nên khi chụp ảnh với các em nhỏ, với người già, người mặc trang phục dân tộc thì nên xin phép trước, thường phí chụp ảnh là 10 nghìn đồng/lần. Phí "check in" các điểm cũng tầm 10 nghìn đồng".