Đi lên cực Bắc Tổ quốc

Lâu lắm rồi, tôi mới lại có dịp đi xa, đi cực bắc nước mình một chuyến nữa. Từ Hà Nội, chúng tôi đi Tuyên Quang - đơn giản! Tuyên Quang đi Hà Giang - cũng đơn giản. Rồi từ thị xã Hà Giang, theo đường 4C, đi qua hai huyện Tam Sơn và Yên Minh để lên huyện Đồng Văn – không đơn giản được nữa!
di len cuc bac to quoc Toàn cảnh vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang những ngày vào Hạ

Hà Giang, nếu xét theo lịch sử địa giới hành chính thời chống Pháp, thì thuộc Việt Bắc: Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà (Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang). Trên bản đồ, Hà Giang ở chính bắc, cao nhất về vĩ độ, có Lũng Cú - “Đỉnh đầu Tổ quốc”. Tuy vậy, về mặt phong thổ, phong cảnh, cư dân, thì dù thuộc Việt Bắc nhưng lại giống với Tây Bắc hơn: Càng đi càng thấy đá nhiều hơn đất. Đá nhiều hơn cây. Núi càng ngày càng cao và nhọn. Người Mông càng ngày càng đông. Tại Đồng Văn, Mèo Vạc, thì họ chiếm tuyệt đại đa số.

Đồng Văn bây giờ được gọi bằng một cái tên rất tượng hình: “Cao nguyên đá”. “Cao nguyên đá” Đồng Văn, chiếm cả huyện, bây giờ là khu bảo tồn địa chất của ta, của thế giới, nằm trong danh mục những khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo của thế giới.

Để vào trung tâm “Cao nguyên đá”, phải đi qua “cổng trời” Cắn Tỷ. Đó là một khe hẹp, kẹp giữa hai đỉnh núi, ngay giữa đỉnh đèo cao vời vợi. Nghe nói, ngày xưa “Vua Mèo” cho lắp ở đây một bộ cánh cửa bằng lim dày, nẹp thép, tán đinh ri-vê vô cùng chắc chắn. Lối đi hẹp, độc đạo, cánh cửa chắc, lại có lính bảo vệ, “Một người giữ, ngàn người khó qua”.

di len cuc bac to quoc
Nhà Vương. Ảnh: Hải Nguyễn

Thế thì giống với đường sang Thục bên Tàu ngày xưa còn gì! Thời Đường, đại thi hào Lý Bạch (701 - 762) viết bài thơ nổi tiếng: “Thục đạo nan” (Đường Thục khó đi), có tả:

Ôi chao!

Cao thay!

Nguy thay!

Trời cũng khoanh tay mà bái phục / Lên trời không khó bằng sang Thục!...

Ngẩng mặt, núi cao ngang vầng nhật / Cúi đầu, sóng dựng tự âm ty

Hạc vàng cũng khó mà qua được / Khỉ, vượn sờn lòng chẳng muốn đi

Trăm bước, chín lần chân đổi hướng / Có đâu khuất khúc bằng Thanh Nê

Giơ tay hái được sao trời xuống / Vỗ bụng than dài, dạ não nề

Đá dựng cheo leo không vịn nổi / Chỉ thấy chim rừng kêu thảm thê

Trống, mái lượn lờ trong cổ thụ / Đêm khuya cuốc khóc dưới trăng hè

Trai tráng vừa nghe đà tái mặt / Núi cao cách trời chưa đầy thước

Thông già bám vách còn héo khô / Suối bay, thác đổ luôn gầm thét

Nước dội ầm ầm trăm khe sâu / Nghe như sấm dậy ở trong đầu...

(Đỗ Trung Lai dịch)

Muốn thấy “nước dưới khe sâu”, thì dưới chân “cổng trời”, ta chưa thấy. Phải vài ngày nữa, về qua Mã Pì Lèng dài dằng dặc, vắt va vắt vẻo, ngó xuống sâu hút, mới thấy dòng Nho Quế nằm như một dải thủy ngân, bất động dưới ấy. “Bất động” vì xa quá, không nhìn thấy nước chảy, không nghe thấy “nước dội ầm ầm trăm khe sâu”. Thế là độ cao từ đây xuống mặt nước, còn cao hơn cả đường sang Thục!

Trở lại với đường 4C. Tới xã Sủng Là, thì xe không sang Phó Bảng, mà rẽ phải để đi lên Lũng Cú, qua các xã Xà Phìn, Lũng Táo, Ma Lé.

di len cuc bac to quoc
Hoa tam giác mạch Sủng Là. Ảnh: Hải Nguyễn

Xe vừa đến cổng bệnh xá xã Sủng Là, khách còn đang xuống để ăn trưa, đã thấy một cô gái Kinh xinh xắn, chân háo hức nhưng ánh mắt thì ngập ngừng, buồn tựa chiều đông, tìm đến làm quen. “Thỉnh thoảng, thấy xe dưới xuôi lên, ra nghe tiếng Kinh cho đỡ nhớ”- cô gái bảo thế. Đó là Hằng, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Học xong Trường Trung cấp Y tế dưới xuôi, Hằng lên làm ở bệnh xá xã này đã ba năm nay. Hằng ở buồng tập thể với ba người nữa, tất nhiên là nữ, chỉ có Hằng là người Kinh. Nhìn qua cửa sổ, thấy vườn cải xanh, su hào, bắp cải tơ non bên chân núi. Còn từ chân núi đến lưng núi, toàn hoa cúc rừng, màu vàng thổ, buồn như mắt Hằng, dù cô vẫn cười chiều khách. Vườn rau là do Hằng và các bạn thuê đất của dân để trồng, 600 ngàn đồng mỗi năm - “Kinh tế thị trường” đến đây rồi nhỉ?

- Sao không lấy số tiền ấy mà đi mua rau, lại khỏi phải trồng? - Tôi hỏi.

- Rau ở đây cũng đắt lắm. Mới lại, trồng cho đỡ buồn - Hằng bảo.

Hằng kể, cộng cả tiền “vùng cao”, cả tiêu chuẩn “xã biên giới”, Hằng có hai triệu rưỡi mỗi tháng. Tôi bảo: “Thấp quá! Còn phải về quê, quà cáp nữa chứ?”. Một họa sĩ cùng đi, nói ngay:

- Anh nói thế nào ấy chứ! Em là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Hà Nội, tức là Trường Mỹ thuật Đông Dương cũ, mà lương tháng cũng chỉ có một triệu rưỡi thôi!

Tôi xin lỗi, tự trách mình quan liêu, chả hiểu gì về lương bổng. Họa sĩ, lại học giỏi đại học mới được ở lại giảng dạy, mà lương có thế, yên tâm dạy giỏi mới là lạ! Thế là Hằng “sướng” gần gấp đôi chàng họa sĩ giảng viên kia rồi còn gì? Mà “sướng” là gì nhỉ? Mắt Hằng buồn, giọng chàng họa sĩ kia cũng buồn. Chỉ có phong cảnh là đẹp, tất nhiên cũng buồn. Bữa trưa hôm ấy, chúng tôi mời Hằng và gần một chục cô cậu sinh viên Sư phạm Nhạc họa Hà Nội đang thực tập ở đây, cùng ăn. Tôi thấy chàng họa sĩ và Hằng ngồi chung bàn, họ nói với nhau nhiều chuyện, nhưng không ai kể lại cho tôi nghe cả.

di len cuc bac to quoc
Cao nguyên đá. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ Sủng Là, hơn chục cây số nữa là đến “Nhà Vương”. “Nhà Vương” là dinh thự - pháo đài của hai đời “Vua Mèo” ngày trước - Vương Chính Đức và Vương Chí Sình. Dinh thự cũng là “Tử cấm thành”, có tường đá dày bao quanh; có cổng đá; có “Tiền dinh”, “Trung dinh” và “Hậu dinh”; có lô cốt bảo vệ với nhiều lỗ châu mai nhìn suốt thung lũng Xà Phìn. Toàn bộ dinh thự, dài 64 mét, rộng 22 mét, cao 10 mét, có 4 nhà ngang và 6 nhà dọc, 2 tầng, tổng cộng 64 buồng. Tường nhà trình đất dày, móng xây bằng đá hộc, cột kèo bằng gỗ nghiến, sàn cũng gỗ ấy, mái lợp ngói âm - dương. Riêng mái các hàng hiên thì dùng ngói ống Tàu màu lưu ly. Dinh thự là sự kết hợp giữa kiến thúc Pháp, kiến trúc Tàu và kiến trúc Mông truyền thống. Tổ hợp này được thiết kế theo hình chữ “Mục” (Mắt), nằm trên quả đồi có hình mai rùa, tựa lưng vào bắc, cửa nhìn về nam. Nghe nói, khi đi tìm đất cùng thầy địa lý, ông Vương Chính Đức bảo: “Đây là mảnh đất có địa thế tuyệt hảo. Giữa thung lũng có khu đất mai rùa nổi lên, dựng cơ nghiệp trên lưng thần Kim Quy sẽ bền vững đời đời. Trước mặt có hai ngọn núi hình mâm xôi cho ta nuôi sống con cái, thần dân. Phía sau có dãy núi như bức trường thành vòng cung ôm lấy dinh thự, tựa vào đó, nghìn năm không đổ”.

Ông Vương Chính Đức sinh năm 1865 tại Đồng Văn. Năm 1923, ông được Khải Định phong làm Bang tá cùng với bức hoành phi “Biên chính khả phong” (Chính quyền nơi biên cương này xứng đáng được phong tặng). Bang tá Vương Chính Đức thay mặt cho Tri châu, cai quản khu vực Đồng Văn lúc ấy, gồm năm xã của huyện Quản Bạ và các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc gộp lại.

Khi đã già yếu, ông Vương Chính Đức trao lại quyền hành cho người con trai thứ hai, tài giỏi nhất trong bốn con trai của ông, đó là Vương Chí Sình. Ông Vương Chí Sình có bà vợ ba tên là Trương Mỹ Thuận. Cha bà Thuận là người Quảng Đông, Trung Quốc, từng là người phiên dịch tiếng Pháp cho Tôn Trung Sơn. Mẹ bà Thuận gốc Hà Đông, Việt Nam, vốn cũng là người phục vụ của họ Tôn. Bà Thuận có vai trò rất quan trọng trong hậu cung của “Vua Mèo” Vương Chí Sình.

Thời ấy, suốt dải biên cương phía Bắc nước ta, hễ ai hùng cứ được một vùng, thì xưng là “Vua”. Lai Châu có “Vua Mèo” Đèo Văn Long, Lào Cai có “Vua Mèo” Hoàng A Tưởng...

Năm 1945, “Vua Mèo” Vương Chí Sình và bà Trương Mỹ Thuận về Hà Nội yết kiến Hồ Chủ Tịch. Cụ Hồ lưu ông bà ở Hà Nội một thời gian và cùng kết nghĩa làm anh em. Chính vì lẽ đó, ông Vương Chí Sình đổi tên là Vương Chí Thành, ý là để được trùng với tên Cụ Hồ thời trai trẻ (Nguyễn Tất Thành).

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội tháng 1 năm 1946, ông Vương Chí Sình trúng cử, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I (1946 - 1960), sau tái đắc cử, là Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964).

Ông Vương Chí Sình từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn thời ta. Đến năm 1956, ông xin thôi chức và người lên thay ông là ông Vù Mí Kẻ. Ông Vù Mí Kẻ trước kia là người đốt củi lấy than cho “Nhà Vương”. Năm 1959, ông Vương Chí Sình được điều về Hà Nội làm chuyên viên Ủy ban Dân tộc Trung ương. Năm 1962, ông mất tại Hà Nội. Thi hài ông được mai táng ở Phó Bảng. Năm 2003, gia đình chuyển mộ ông về cổng khu dinh thự - pháo đài “Nhà Vương” ở Xà Phìn.

Tôi đến thắp hương trước mộ ông, thấy trên đá, dưới ảnh ông, có khắc đôi câu đối Cụ Hồ tặng cho ông ngày nào: Bất thụ nô lệ/ Tận trung báo quốc. Mộ của Vương Chính Đức thì lại nằm ở sườn núi Lầu Chúa Tủng, cách Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc chừng ba cây số, tôi không đến được. Trong hai năm (2004 - 2005), Bộ Văn hóa Thông tin ta, bỏ ra 6 tỉ đồng, trùng tu và tôn tạo lại “Nhà Vương”. Trước đó, từ năm 1993, đây đã là “Di tích nghệ thuật kiến trúc “Nhà Vương”, cấp quốc gia, điểm du lịch quan trọng nhất Đồng Văn từ đó. Hằng năm, hàng vạn người đã qua đây.

Thế cũng là kỳ lạ! Hai bố con, tít tận miền biên viễn, người thì được triều Nguyễn phong hàm tặng chữ, người thì được Cụ Hồ kết nghĩa anh em. Hẳn Cụ Hồ không lầm, khi trao cho họ Vương 8 chữ: Bất thụ nô lệ/ Tận trung báo quốc.

Rời “Nhà Vương”, tôi đi Lũng Cú, nơi có ngọn cờ đỏ sao vàng lớn nhất nước (54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc sống ở Việt Nam), treo trên ngọn cây cột cờ cao vút tít đỉnh núi, xây bằng đá xẻ Đồng Văn. Ngô trong các hốc đá, chỗ đương xanh, chỗ đã khô vàng. Những nương lúa đang hoặc đã được gặt. Dưới chân cột cờ, một người con gái, trang phục dân tộc, đang làm phụ hồ. Cô ấy xinh, sử dụng cây xẻng trộn vữa cho thợ hoàn thành chân cột, thành thạo như ai.

Không thể cầm lòng trước mọi việc, tôi cảm khái viết bài thơ “Đá và cờ ở Đồng Văn”, thực ra là viết về đất và người Đồng Văn, về Tổ quốc mến yêu và vĩ đại của tôi:

Dưới bóng cờ sao đầu Lũng Cú

Đã cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống, sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi

Cả đá lẫn người đều lẫm liệt

Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi

Ngậm gió Cổng Trời, buông tiếng thét

Đá thề sống chết tựa người thôi

Sống chết, tận trung mà báo quốc

Chầu bên cột mốc chốn biên thùy

Ấm lạnh với người trong sương tuyết

Che đỡ cho người lúc hiểm nguy

Rồi đá cho người thân kiếp đá

Dựng thành chót vót với uy nghi

Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ

Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ.

Một họa sĩ Nam Bộ đi trong đoàn, khi dừng nghỉ giữa đèo Mã Pì Lèng, nói với tôi: “Giá mỗi người dân Việt đều được đi một chuyến như thế này, họ sẽ càng yêu nước biết bao nhiêu, anh nhỉ?”

Tôi gật đầu, hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh. Rời Đồng Văn, Mèo Vạc, chúng tôi về qua Tĩnh Túc rồi xuống Ba Bể. Suốt dọc đường, tôi lại càng đồng ý với anh ấy.

#Du lịch Hà Giang

di len cuc bac to quoc Du lịch tháng 5, 'đưa nhau đi trốn' ở đâu?
di len cuc bac to quoc Lên lịch về Hà Giang chơi Chợ tình Khâu Vai
di len cuc bac to quoc Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á ở Hà Giang
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.