Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng đến 26 xã ở Quảng Nam với hơn 36 tấn thịt phải tiêu hủy

Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang quyết liệt triển khai chống dịch tả lợn châu Phi khi tình hình đang lan rộng đến 26 xã, 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo của Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam, tính đến 16h30 ngày 2/6, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 206 hộ ở 56 thôn, của 26 xã, thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Riêng trong ngày 2/6, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện thêm tại 32 hộ chăn nuôi ở 15 thôn, của 15 xã, gồm: Duy Nghĩa, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên); Bình Dương, Bình Đào, Bình Sa, Bình Giang, Bình Triều, Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Điện Dương (thị xã Điện Bàn); An Phú (TP Tam Kỳ); Trà Don (huyện Nam Trà My); Tam An (huyện Phú Ninh); Sơn Viên (huyện Nông Sơn), với số lượng tiêu hủy 145 con lợn.

Tổng số lượng lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy trên toàn tỉnh Quảng Nam là 705 con, trọng lượng 36,8 tấn.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng đến 26 xã ở Quảng Nam với hơn 36 tấn thịt phải tiêu hủy - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh tư liệu).

Tuyên truyền dân không tái đàn, phối giống tại địa bàn đang bị dịch tả lợn châu Phi

Trong diễn biến liên quan, ngày 4/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch phù hợp và quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thành lập các tổ công tác để chốt chặn, tuần tra cơ động, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, xử lí ổ dịch; kinh phí thực hiện, dự kiến những địa điểm để tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn dịch với qui mô từ nhỏ đến lớn. Lưu ý việc lựa chọn địa điểm cần có sự đồng thuận của người dân tại khu vực tiêu hủy, gửi danh sách địa điểm tiêu hủy về Sở NN&PTNT trước ngày 15/6 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Vận động nhân dân hưởng ứng chăn nuôi và sử dụng thịt lợn an toàn sinh học, thực hiện "5 không" theo qui định của pháp luật thú y (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín để nuôi lợn).

Tuyên truyền để người dân không quay lưng với chăn nuôi lợn, sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra, kiểm soát của thú y, không mua thịt lợn trên các xe vận chuyển có dấu hiệu nghi ngờ hoặc các điểm bán lẻ. Tại những địa bàn đang xảy ra dịch với qui mô lớn cần vận động nhân dân chưa tái đàn, không phối giống.

Tổ chức rà sát thống kê toàn bộ đàn lợn trên địa bàn, để có kế hoạch ứng phó khi có dịch xuất hiện. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, kiên quyết xử lí việc giết mổ lợn trái phép làm lây lan dịch bệnh, xử lí các cán bộ thú y thực hiện phối giống trong vùng dịch bệnh.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách có đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn trái phép; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lí nghiêm theo qui định của pháp luật.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường đã cập nhật những số liệu mới nhất về tình hình dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ trưởng, tổng đàn heo bị tiêu hủy đến nay là hơn 2 triệu con, tương đương 117.000 tấn, tức bằng 6,5% tổng đàn lợn cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá thiệt hại của dịch tả heo châu Phi là vô cùng lớn và lịch sử ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam chưa từng xảy ra.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.