Từ 200 năm trước, các bác sĩ đã tìm ra vai trò của sắt trong cơ thể con người. Thậm chí, những nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra căn bệnh thiếu máu – căn bệnh vốn rất khó xác định thời bấy giờ và đã được trao giải thưởng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người.
(Ảnh: mypageyourhealth) |
Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho biết: “Sắt rất quan trọng với cơ thể, là thành tố quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu, là thành phần của huyết sắc tố có trong hồng cầu và nhiều men khác trong cơ thể. Vi chất này tham gia vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đến cho tất cả các tế bào của mọi cơ quan, bộ phận. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu”.
Hiện nay, tình trạng thiếu máu rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ, trẻ nhỏ và nó gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, thiếu máu thường khó phát hiện vì nhiều người nghĩ rằng những biểu hiện của bệnh là do làm việc mệt mỏi gây nên.
ThS.BS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Để biết cơ thể có bị thiếu máu hay không bạn nên đi xét nghiệm máu để được chẩn đoán chính xác, xét nghiệm đơn giản nhất là định lượng Huyết sắc tố (Hb), lượng Hb giảm thấp hơn mức quy định là bị thiếu máu”.
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu, thiếu sắt
|
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Sắc mặt nhợt nhạt
- Hơi thở gấp
- Tim đập mạnh
- Chân bị tê
- Nhức đầu
- Rụng tóc
- Lưỡi có màu lạ
- Kinh nguyệt nhiều
- Tuyến giáp hoạt động yếu
- Lo lắng không rõ nguyên nhân
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân của tình trạng trên là do chế độ ăn nghèo sắt, lương thực chính của người dân Việt là gạo – trong khi đó sắt trong gạo cơ thể khó hấp thu. Nguồn thức ăn động vật giàu chất sắt thường không được tiêu thụ thường xuyên và đầy đủ. Khẩu phần ăn chứa nhiều chất ức chế hấp thu sắt như các phytat có trong ngũ cốc.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tình trạng nhiễm giun móc và các bệnh nhiễm khuẩn. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy giun móc đóng góp đáng kể vào nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở Việt Nam. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiêu hoá còn khá phổ biến cũng góp phần dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt.
(Ảnh: Migin) |
Thiếu sắt là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ và cả người già, trong đó phải kể đến các chứng bệnh liên quan đến sự suy giảm hệ hô hấp và hệ tim mạch. Các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu sắt gồm có:
Ảnh hưởng đến tim mạch
Thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc bất thường. Khi đó, tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu oxy mang trong máu khi đang bị thiếu máu. Ở những người bị bệnh động mạch vành nếu không được kiểm soát thiếu máu có thể dẫn đến đau thắt ngực.
Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con. Vì vậy, người ta đã coi thiếu máu thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị thiếu máu thường gặp nhất. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai và 28,8% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Việt Nam thiếu máu thiếu sắt.
Ảnh hưởng đến trí tuệ
Thiếu máu do thiếu sắt làm giảm 10-30% năng suất lao động do khả năng tư duy và nhận thức của não bộ đều giảm sút. Thực hiện nghiên cứu trên 5.400 em từ 6 đến 16 tuổi, các nhà khoa học Mỹ thấy rằng khi làm bài kiểm tra toán, các em thiếu sắt có khuynh hướng bị điểm dưới trung bình cao gấp hai lần so với các em khác. Các em bị thiếu sắt sẽ kém tập trung, hay ngủ gật trong giờ học, học bài khó nhớ, mau quên. Cơ bắp không đủ ôxy nên các em sẽ mau mệt khi hoạt động thể lực.
Rụng tóc, bong móng
Hầu hết bệnh nhân bị thiếu máu là do thiếu sắt, có thể khiến cho da bệnh nhân bị nhăn nheo, tóc bị rụng và mỏng, móng tay dễ bị bong. Theo giải thích của các nhà khoa học thì sắt là một chất khoáng chiếm số lượng lớn trong máu. Chức năng quan trọng nhất của sắt là duy trì quá trình tạo ra các hemoglobin (yếu tố tiếp nhận oxy trong máu) và myoglobin (1 dạng của hemoglobin tồn tại trong các cơ).
Khi trong máu thiếu sắt, phần chân tóc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bị thiếu dinh dưỡng, chân tóc sẽ yếu và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến việc tóc dễ bị rụng. Để cân bằng lượng sắt trong máu, cách tốt nhất là cải thiện chế độ ăn uống. Ăn nhiều đồ ăn có chứa chất sắt và các thành phần giúp tăng cường sự hấp thụ sắt để lấy lại sự cân bằng sắt trong máu.
Nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ trong các hoạt động của cơ thể
Thiếu dinh dưỡng, mà đặc biệt là thiếu máu, tất yếu hoạt động của cơ thể sẽ không thể được duy trì bình thường. Mọi quá trình hoạt động của các bộ phận trong cơ thể ít nhiều bị kém đi, thậm chí nếu thiếu sắt lâu dài có thể gây rối loạn các hoạt động chức năng trong cơ thể con người.
Làm gì để không bị thiếu sắt, thiếu máu?
Để phòng ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt, mỗi người cần chủ động bổ sung sắt kịp thời cho cơ thể theo nhiều dạng khác nhau bằng chế độ dinh dưỡng hay uống bổ sung thêm viên sắt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Trẻ gái vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai nên uống bổ sung viên sắt- axít folic hằng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Việc định kỳ tẩy giun, đặc biệt là giun móc đã chứng tỏ có tác động tới cải thiện tình trạng sắt.
Nhu cầu chất sắt tùy theo mỗi người. Phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 50 cần 18mg mỗi ngày. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần đến 27mg. Phụ nữ trong giai đoạn cho con bú cần bổ sung 9mg sắt.
Ngoài ra, lượng kinh nguyệt cũng ảnh hưởng đến nhu cầu về sắt của cơ thể. Phụ nữ mãn kinh trên 50 tuổi chỉ cần 8mg mỗi ngày.
Những thực phẩm như đậu lăng, rau bina, thịt bò, quả hạch, gà hoặc đậu Hà Lan sẽ cung cấp thêm sắt cho bạn. (Ảnh: Khoeplus) |
Bạn có biết những loại trái cây giàu sắt tốt cho cơ thể? | |
Bác sĩ mách mẹ cách xử lí khi trẻ bị sốt, táo bón, thiếu máu | |
Mách mẹ xử lý 7 vấn đề thường gặp ở trẻ 1-4 tuổi |