Y tế học đường cần được quan tâm đúng mức để học sinh có thể phát triển toàn diện. |
Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới đòi hỏi công tác giáo dục học sinh phải được nâng tầm, để học sinh được phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Loạt bài "Y tế học đường - Vẫn yếu và thiếu" đưa ra cái nhìn về thực trạng này, đồng thời góp phần xác định những thách thức cần vượt qua.
Theo thống kê sơ bộ của Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cả nước còn hơn 10 nghìn trường học (chiếm 25%) chưa có biên chế nhân viên y tế. Có những nơi tỷ lệ trường thiếu nhân viên y tế chiếm đến 90%; nhiều nơi phải ký hợp đồng vụ, việc đối với nhân lực này. Các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe, sơ cứu học sinh khi có sự cố còn thiếu thốn, chưa bảo đảm.
Thiếu cán bộ quản lý
Bảo đảm an toàn về tính mạng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học. Vị trí, vai trò của công tác y tế trường học (YTTH) được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg, ngày 12-7-2006, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác YTTH. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa Chỉ thị này với nhiều giải pháp như rà soát xây dựng hệ thống văn bản, tạo hành lang pháp lý để các nhà trường thực hiện công tác YTTH; quy định về trang thiết bị y tế và thuốc tối thiểu trong nhà trường; đưa công tác YTTH thành một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các nhà trường...
Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT-TTg, hệ thống văn bản YTTH đã được bổ sung, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn và là cơ sở pháp lý giúp các nhà trường có căn cứ để tổ chức hoạt động YTTH, xây dựng hạ tầng, trang thiết bị và từng bước hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác YTTH.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai công tác YTTH tại các nhà trường còn gặp không ít khó khăn. Ở cấp trung ương, nhiệm vụ YTTH do Vụ Công tác học sinh, sinh viên làm đầu mối chỉ có 3-4 cán bộ kiêm nhiệm. Ở tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác YTTH, mỗi sở GD-ĐT phải có một cán bộ là bác sĩ theo dõi công tác YTTH nhưng thực tế, gần 90% cán bộ kiêm nhiệm công tác YTTH là giáo viên, hoạt động chủ yếu là triển khai các văn bản chỉ đạo công tác YTTH của ngành. Tuyến quận, huyện, chỉ gần 30% số phòng GD-ĐT có cán bộ theo dõi công tác YTTH và cơ bản... cũng đều kiêm nhiệm.
Nhân lực, trang thiết bị đều thiếu
Cả nước còn khoảng 10.000 trường học chưa có biên chế nhân viên y tế, chiếm khoảng 25% tổng số trường. Đáng chú ý là tỷ lệ này có sự chênh lệch khá rõ tại các địa phương. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, Thanh Hóa là địa phương hiện có tới 90% trường chưa có biên chế nhân viên YTTH, song tại Quảng Ninh, tỷ lệ thiếu chỉ còn khoảng 15%. Ngoài ra, cả nước có khoảng 24.000 trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) có ban chăm sóc sức khỏe học sinh, đạt tỷ lệ gần 60%; tỷ lệ trường có phòng y tế trên cả nước là 50%.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết: Trong tổng số hơn 2.500 trường học với các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đơn vị nào cũng có nhân viên y tế, thường xuyên trực tại trường để xử lý các sự cố về sức khỏe cho học sinh, đồng thời làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm (với các trường có bếp ăn bán trú) và tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tỷ lệ trường có nhân viên y tế chuyên trách là trên 90%; tại các trường còn lại, vị trí nhân viên y tế là do giáo viên kiêm nhiệm. Tỷ lệ nhân viên y tế nằm trong biên chế cũng chiếm khoảng 90%. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ này chưa đạt tuyệt đối là từ năm 2015 đến nay, các trường phải tạm dừng tuyển dụng để rà soát, đánh giá lại đội ngũ này theo chỉ đạo của Chính phủ. Vì vậy, những trường mới thành lập từ năm 2015 đến nay đều đang phải hợp đồng với nhân viên y tế.
Theo đánh giá chung, hầu hết các nhân viên y tế của các nhà trường đều có trình độ cơ bản bảo đảm phục vụ công tác YTTH. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác YTTH, thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT với yêu cầu mới là nhân viên YTTH phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên, Hà Nội đang tổ chức rà soát lại và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) - người phụ trách công tác YTTH nhận định: Về cơ bản, mức thu nhập của nhân viên YTTH còn thấp, trong khi khối lượng công việc khá lớn, áp lực cao. Dù vậy, đội ngũ nhân viên y tế tại các trường học vẫn rất say mê, nhiệt huyết với nghề, chưa có nhân viên y tế nào bỏ việc. Ở góc nhìn khác, dù khoảng 95% trường ở các cấp học trên địa bàn thành phố đã có phòng y tế, cơ bản bảo đảm cơ sở vật chất, đủ cơ số thuốc theo quy định, có nhân viên y tế trực thường xuyên song ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, thời gian tới công tác YTTH trên địa bàn thành phố cần được đầu tư thiết thực hơn, nhằm kịp thời xử lý các sự cố về sức khỏe cho cả cán bộ, giáo viên và học sinh ngay tại trường; đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.
(Còn nữa)