Đến hẹn lại lên, mỗi lần bốn pa nhạc Việt tái ngộ là một nữ ca sĩ bị “lôi” vào luồng tranh cãi: 4+1 - ai xứng đáng là pa thứ năm? Và Uyên Linh - trong lứa ca sĩ trẻ, không ít lần được nhắc đến như một “ứng cử viên sáng giá” cho danh hiệu này.
Thế nhưng, trong buổi ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, Uyên Linh đã thẳng thắn bày tỏ: “Mọi người cứ hay bị choáng ngợp trước tên gọi Diva. Nhưng thực sự đối với thế hệ của Linh, khái niệm này vô cùng lỗi thời. Với Linh, quan trọng là mình làm nhạc chất liệu gì, hát ra sao và khán giả thế nào. Nếu mình đặt ra từ Diva cũng chính là tự làm hẹp lại không gian của mình, không hay một chút nào!”, cất lên tiếng lòng của nhiều nữ ca sĩ cũng từng một (hoặc nhiều) lần bị đặt lên “bàn cân” trong công cuộc “truy tìm” pa thứ năm này.
Dư luận có phần… bất chấp lôi kéo các tên tuổi như Thu Minh, Nguyên Thảo, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Uyên Linh, Hương Tràm… vào những bình bầu, “cân đong” và tự phong danh hiệu pa - mặc kệ cảm xúc của người trong cuộc vô tình và hoàn toàn bị động trong những lời xôn xao này mà chính họ chưa một lần vỗ ngực xưng tên hay thực sự để tâm, quan trọng danh xưng này.
Danh hiệu pa không có quy chuẩn để xét ai xứng đáng, ai không. Khi thế giới bắt đầu có những Madonna, Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion thì Việt Nam gia nhập vào trào lưu đó, những cái tên nổi bật thời điểm bấy giờ: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần được ưu ái nêu tên, thành “bộ tứ pa Việt”. Thế hệ trước và sau - không thiếu những tài năng xuất chúng với những cống hiến to lớn, nhưng không “hợp thời điểm” để hoà mình vào danh xưng này nữa!
Thu Minh, Nguyên Thảo, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Uyên Linh… không ít lần trở thành tâm điểm của “cuộc đua” tìm kiếm pa thứ năm!
Từng giai đoạn, có cách định nghĩa riêng và điều gì đẹp vẫn cứ nên giữ lại đúng thời điểm. Danh hiệu pa là dấu ấn đẹp của thập niên 90, không nhất thiết phải “lôi” quá khứ ấy tròng vào màu sắc của hiện tại: đã lỗi thời, lại không “vừa vặn”. Danh hiệu pa không phải là vương miện, để truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi “giãy nảy” lên nếu không tìm được ai kế thừa hoặc phải “tóm cho bằng được” một vài cái tên nào đó và bắt buộc họ nhận lấy danh xưng này.
Nếu không là pa, thì danh hiệu nào để ca sĩ phấn đấu, “thước đo” nào để đánh giá sự thành công của một người ca sĩ?
Là sản phẩm. Như cách Mỹ Tâm đã làm để đổ đầy chặng đường nghệ thuật của cô bằng những dấu ấn để đời mà khó có ca sĩ nào vượt qua được. Là ca sĩ có lượng fan đông đảo nhất Vpop, chủ nhân của những giải thưởng danh giá: 3 lần đoạt giải Nữ ca sĩ được yêu thích nhất của HTV Awards, 11 lần liên tiếp nhận giải Ca sĩ được yêu thích và 3 năm liên tiếp đoạt giải Nữ ca sĩ của năm tại Làn Sóng Xanh. Đồng thời, cô cũng sở hữu những “lần đầu tiên” ấn tượng: album đầu tiên với số lượng kỷ lục Yesterday&Now, ca sĩ Việt Nam đầu tiên đạt giải Nghệ sỹ Châu Á xuất sắc nhất trong giải thưởng Mnet Asian Music Award, áp dụng mô hình showcase tại Việt Nam, tour xuyên Việt miễn phí dành cho sinh viên và sở hữu kênh youtube riêng, liveshow Ngày ấy và Bây giờ với số tiền đầu tư “khủng” nhất lịch sử, thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu, hiệu ứng khán giả, là ca sĩ Việt đầu tiên có sản phẩm hợp tác cùng ê-kíp Hàn Quốc…
Là sự tôn trọng của đồng nghiệp và giới chuyên môn. Như cách Thu Minh đã từng làm, người ta có thể gọi cô là “nữ hoàng nhạc dance” nhưng đó không phải là tất cả “tài sản” mà cô ca sĩ có giọng ca cao vút, nội lực này sở hữu. Điều Thu Minh đang có, chính là sự tôn trọng của thế hệ đàn em, của những người đồng nghiệp và giới phê bình. Không xuất hiện dày đặc, không chiêu trò đánh bóng, Thu Minh vẫn luôn là cái tên đảm bảo chất lượng, khiến mỗi dự án, sản phẩm cô ra mắt, ai nấy đều có thể gật gù an tâm: Thu Minh mà, đừng lo. Niềm tin - mới là “tài sản” quý giá hơn hết, hơn mọi danh xưng mà Thu Minh, sau hơn 20 năm làm nghề, đang có.
Là khán giả. Như tất cả những ca sĩ đang ngày đêm khao khát. Nghệ thuật, cuối cùng vẫn là sự chia sẻ trong đó nghệ sĩ đóng vai trò người truyền đi thông điệp và khán giả là những người thụ hưởng. Như tình yêu, không thể thăng hoa nếu là chuyện một người, âm nhạc cũng thế, chỉ có thể trọn vẹn khi được đón nhận bởi khán giả. Nghệ thuật của ca sĩ không nằm ở phòng thu, giữa bốn bức tường kín, mà trên sân khấu, trước hàng nghìn khán giả đang thưởng thức, lắng nghe, đang chia sẻ câu chuyện âm nhạc mà người ca sĩ muốn gửi gắm. Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh - tất cả danh xưng đều vô nghĩa, khi đứng trước sợi dây cảm xúc vô hình nhưng mãnh liệt này.
Đừng cố cột nghệ thuật vào những thước đo hạn hẹp, và càng không thể buộc nghệ sĩ vào những danh xưng “chật chội”: như thế khác nào muốn gom biển đổ vào bình, gom bầu trời bỏ vào túi xách riêng?
Người ta học để thành thợ, chứ không ai học để trở thành nghệ sĩ, càng không thể học để trở thành pa. Cái gì vô tận, thì cứ để nó… vô cùng tận, và đơn giản là tận hưởng!