Thống kê trong hơn 100 doanh nghiệp bất động sản đại chúng đã công bố báo cáo tài chính bán niên cho thấy trong 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế mà nhóm này đạt được vào khoảng 25.380 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong đó, danh sách các doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ phân hóa khá đều ở các phân khúc dân dụng và khu công nghiệp, bao gồm ba doanh nghiệp "họ" Vin, Kinh Bắc, Novaland, Viglacera và Becamex IDC.
Theo thống kê, lợi nhuận nhóm địa ốc giảm khoảng 40% so với cùng kỳ, chiếm 81% trong đó là từ 10 doanh nghiệp có lãi lớn nhất. Phần lớn các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ kinh doanh bất động sản giảm mạnh.
Dẫn đầu nhóm này là Vinhomes (VHM) với khoản lãi 5.347 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II, Vinhomes đã ra mắt đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Tính đến hết tháng 6/2022, dự án đã đạt doanh số bán lẻ 49.073 tỷ đồng. Theo đó, doanh số chưa ghi nhận đạt 129.300 tỷ đồng, tăng 127% so với thời điểm cuối quý I và là nguồn doanh thu tiềm năng dự kiến ghi nhận trong các quý tiếp theo.
Hai doanh nghiệp cùng họ khác là VinGroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) cũng góp mặt trong nhóm này với lợi nhuận thu được lần lượt là 1.151 tỷ đồng và 1.028 tỷ đồng.
Lãi cao thứ hai sau Vinhomes là Novaland (NVL) với 1.818 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự Vinhomes, doanh thu chính từ chuyển nhượng bất động sản của Novaland cũng giảm 41%.
Tại thời điểm cuối quý II, Novaland ghi nhận 12.562 tỷ đồng từ người mua trả tiền trước ngắn hạn, cao gấp 1,5 lần so với đầu năm. Công ty cho biết khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh sau khi hoàn thành và bàn giao sản phẩm cho khách.
Cùng cảnh giảm lãi trong nửa đầu năm còn có Đất Xanh (DXG) do nguồn thu chính từ bán căn hộ và đất nền giảm hơn 70% cùng kỳ trong quý II vừa qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần 3.342 tỷ đồng và lãi sau thuế 670 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 44% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nhờ các mảng kinh doanh khác bên cạnh bất động sản, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận lãi tăng bằng lần trong nửa đầu năm.
Đơn cử như CII với lãi sau thuế tăng gấp 6 lần cùng kỳ lên 812 tỷ đồng nhờ mảng thu phí giao thông phục hồi và lợi nhuận thương vụ thoái vốn Năm Bảy Bảy (NBB) từ công ty con thành công ty liên kết, trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản (nguồn thu chính cùng kỳ năm ngoái) giảm gần 40%.
Tương tự CII, mặc dù doanh thu kinh doanh bất động sản giảm 39% khiến tổng doanh thu thuần trượt 7% so với cùng kỳ, Hà Đô (HDG) vẫn báo lãi tăng 48%, đạt 714 tỷ đồng nhờ doanh thu từ mảng năng lượng trong quý II tăng 89,3% với biên độ lợi nhuận cao, trong khi các lĩnh vực khác vẫn duy trì ổn định.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu mảng bất động sản tăng trưởng tốt trong 6 tháng qua.
Lợi nhuận Vinaconex (VCG) đã tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt 952 tỷ đồng. Nửa đầu năm, doanh thu kinh doanh bất động sản của Vinaconex cũng tăng gấp 5 lần lên 318 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng xây lắp và việc ghi nhận thêm lãi từ giao dịch mua rẻ công ty con cũng đóng góp chính cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát Đạt (PDR) báo lãi 688 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần của công ty cũng 1.479 tỷ đồng, tăng 32%, trong đó, tính riêng quý II là 853 tỷ đồng, tăng 59% nhờ diện tích chuyển nhượng được bàn giao thuộc Khu chung cư cao tầng, Phân khu số 4 thuộc dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định cao vượt trội so với cùng kỳ.
Góp mặt trong nhóm này còn có Bamboo Capital (BCG) với khoản lãi sau thuế 877 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu thuần 6 tháng của công ty cũng đạt 2.134 tỷ đồng, tăng 47%. Theo Bamboo Capital, kết quả kinh doanh trong kỳ chủ yếu đến từ ba mảng xây lắp, bất động sản và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 30% lên 930 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận thêm lãi hợp nhất kinh doanh.
Trái ngược với bối cảnh lãi giảm của nhóm địa ốc, nhóm bất động sản khu công nghiệp ghi nhận tổng lãi sau thuế tăng 68% so với cùng kỳ, trong đó có ba doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ gồm Kinh Bắc, Viglacera và Becamex IDC.
Dẫn đầu nhóm này là Kinh Bắc (KBC) với lãi sau thuế 2.457 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu nhập từ thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị thành viên (ghi nhận tại mục thu nhập khác).
Doanh thu thuần nửa đầu năm của Kinh Bắc giảm 60%, chủ yếu do doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm mạnh cũng như không có doanh thu từ bán nhà xưởng.
Doanh nghiệp khu công nghiệp báo lãi nghìn tỷ lớn thứ hai là Viglacera (VGC) với 1.443 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm, doanh thu thuần của công ty tăng 53% lên 8.101 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu từ dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp tăng 40%.
Becamex IDC (BCM) cũng báo doanh thu thuần 6 tháng đạt 3.358 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.370 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 39% so với cùng kỳ.
Riêng trong quý II, doanh thu thuần 1.925 tỷ đồng, tăng 14%, chiếm 78,5% doanh thu của công ty là từ kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư, đạt 1.512 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Lãi sau thuế quý II của Becamex IDC đạt 979 tỷ đồng, cũng là mức lãi theo quý cao nhất mà công ty đạt được trong hơn 4 năm kể từ quý I/2018 đến nay.
Ngoài Becamex IDC, một doanh nghiệp khác cùng họ là Becamex IJC (IJC) cũng góp mặt trong top lãi lớn này.
Đối với IDICO (IDC), công ty chưa công bố báo cáo hợp nhất, song, theo báo cáo riêng, công ty mẹ IDICO đã thu lãi 1.627 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ nhờ doanh thu hạ tầng khu công nghiệp tăng đột biến.
Bên cạnh các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ nói trên, Sonadezi (SNZ) cũng góp mặt trong top 10 với lợi nhuận sau thuế 671 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong quý II, nguồn thu chính trong quý đến từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tăng 47%, song, doanh thu từ kinh doanh nhà và hạ tầng giảm mạnh khiến tổng doanh thu thuần chỉ tăng 4% so với quý II/2021.
Một doanh nghiệp cùng họ là Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng xuất hiện trong nhóm này với khoản lãi 136 tỷ đồng, giúp công ty thực hiện được 74% chỉ tiêu năm sau 6 tháng kinh doanh.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) ghi nhận doanh thu thuần tăng 3% lên 3.087 tỷ đồng và báo lãi 501 tỷ đồng, giảm 9% do giá vốn cao.
Phần lớn trong doanh thu của SIP đến từ bán điện, nước tại các khu công nghiệp. Theo Chứng khoán ACB, việc trực tiếp cung cấp các dịch vụ này là điểm mạnh của SIP so với các doanh nghiệp khác trong mảng bất động sản khu công nghiệp.
Ngoài ra, góp mặt trong nhóm lãi lớn của bất động sản khu công nghiệp còn có các doanh nghiệp như Nam Tân Uyên (NTC), Tân Tạo (ITA) và Long Hậu (LHG).