Doanh nghiệp đăng ký xây 1.281.000 căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030

Các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký đầu tư, xây dựng hơn 1,2 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030, giải quyết nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp cần "nói đi đôi với làm", không để người dân mất niềm tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị sáng 1/8. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Trước đó, từ chiều qua (ngày 31/7), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các bộ, doanh nghiệp sơ bộ để chuẩn bị cho hội nghị này.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, từ chiều qua đến hết sáng nay, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội.

"Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân", Phó Thủ tướng nhận định.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.

Về quan điểm, định hướng trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Bộ hoàn thành đề án ngay trong tháng 8 này.

Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai trong thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.

"Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030 cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin", Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính Phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên, trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này.

Bộ cũng có nhiệm vụ nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển nhà ở xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong thời gian tới, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương. 

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.