‘Doanh nghiệp đang rất loay hoay khi bỏ khung giá đất’

Việc bỏ khung giá đất sẽ giúp thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí đầu tư cao hơn.

Sáng nay (2/3) đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh nội dung bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm. Đa số các chuyên gia cơ bản tán thành với nội dung này, đồng thời lưu ý về việc đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội. (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị).

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, việc bỏ khung giá đất là đột phá trong Luật Đất đai sửa đổi vì theo quy định của Luật cũ, người dân rất thiệt thòi khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân nảy sinh các đơn thư, khiếu nại.

Ông Điệp cho biết, quy định bỏ khung giá đất giúp người dân tiếp cận với giá thực tế, được đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, nhà nước thì thu được thuế. Tuy nhiên, ông băn khoăn về động lực phát triển của doanh nghiệp:

“Đây là câu hỏi lớn mà chúng ta cần phải trả lời thích đáng và tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn phải dùng cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển. Chứ không thể để có lợi cho người dân, nhà nước thu được thuế nhưng doanh nghiệp không phát triển được”.

Để giải quyết vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng có thể áp dụng thu thuế sau hoặc có cơ chế để doanh nghiệp, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục có động lực phát phiển, lôi kéo dự án về địa phương mình.

“Ở góc độ chuyên môn, tôi thấy doanh nghiệp đang rất loay hoay khi bỏ khung giá đất”, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị - UDIC cho rằng, bỏ khung giá đất sẽ ảnh hưởng đến cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị - UDIC. (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị).

Khi người dân bị thu hồi đất thì họ sẽ có thể nhận được mức đền bù với giá cao hơn, sòng phẳng hơn, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Đối với nhà nước, bỏ khung giá đất sẽ đẩy chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng lên cao, đưa tài sản về đúng giá trị thật, khiến cho thị trường minh bạch hơn. Từ đó, nhà nước có thể tránh được tình trạng hai giá, tức là chủ đất kê khai giá đất thấp để hưởng thuế suất thấp hơn thực tế. Điều này có thể giúp nhà nước tránh tình trạng thất thoát ngân sách.

“Đối với doanh nghiệp, việc bỏ khung giá đất sẽ giúp thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí đầu tư cao hơn. Do vậy, cần phải hài hòa giữa ba bên: nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Hải nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý về thời gian công bố bảng giá đất. Theo ông Nguyễn Thế Điệp, xây dựng dự án bất động sản thường rất dài nên việc điều chỉnh giá đất hàng năm sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi đã có cam kết giá bán cho khách hàng. Do đó cần nghiên cứu thận trọng.

“Tất cả chính sách liên quan đến đất đai, bất động cần rất thận trọng khi thay đổi, không thể phanh gấp, giật cục mà cần có lộ trình, bước đi thận trọng", Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội nhìn nhận.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.