Sáng nay 5/4, lãnh đạo TP Hà Nội vừa có buổi đối thoại với doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, Báo Chính phủ đưa tin.
Tại buổi làm việc, ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech), quận Bắc Từ Liêm bày tỏ mong muốn nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng dự án này.
Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn UBND thành phố và quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án.
Theo tìm hiểu của người viết, dự án HaBiotech được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 2/2009. Dự án có diện tích khoảng 200 ha, nằm tại các xã Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Pacific Land Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của HaBiotech là hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 250 triệu USD cho hạ tầng kỹ thuật và một số công trình dịch vụ, chung cư cao tầng, ký túc xá (không bố trí đất làm nhà ở gia đình); còn lại 800 triệu USD cho các thiết bị đặc chủng như đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học...
Phía bắc của dự án giáp KCN Nam Thăng Long; phía tây giáp tuyến đường quy hoạch rộng 40 m; phía đông giáp đường quy hoạch rộng 40 m và khu dân cư; phía nam giáp đường quy hoạch rộng 60 m (trục Tây Thăng Long).
Đến nay, trong khi hạ tầng xung quanh dự án như đường quy hoạch 40 m Văn Tiến Dũng đã hoàn thiện, trục Tây Thăng Long cũng dần thành hình thì HaBiotech vẫn chưa thể triển khai.
Cũng tại buổi đối thoại sáng nay, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15 ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha.
Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.
Theo báo cáo của TP Hà Nội, tính đến nay thành phố có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha. Trong đó, có 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188 ha. Các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quang Minh 2 (160 ha) và Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn (302,8 ha). Hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh (300 ha).
Thành phố cũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục. Mục tiêu sẽ hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.
Năm 2024, Hà Nội sẽ triển khai 6 hội nghị gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề.
Các hội nghị này bao gồm: Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề; Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Hội nghị đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao...); Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố; Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường.