Những công trình sẽ có tại dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD ở Hà Nội

Dự án thành phố thông minh sẽ có tháp tài chính 108 tầng, hàng chục tòa văn phòng chung cư hỗn hợp, hàng trăm biệt thự, nhà liền kề.

Thông tin này được cho biết trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án "Thành phố thông minh". Quyết định trên được Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ký ngày 5/3.

Vị trí xây dựng thành phố thông minh. (Đồ họa: Anh Tú). 

Dự án được đầu tư trên diện tích hơn 270 ha tại ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Chủ dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City). Đây là liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. TP Hà Nội công bố triển khai dự án trị giá 4,2 tỷ USD này hồi đầu tháng 11/2023.

Dự án thành phố thông minh sẽ được thực hiện trong 9 năm chia làm 5 giai đoạn. Theo ĐTM, giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ xây dựng 60 căn nhà liền kề (5 tầng), 247 biệt thự (4 tầng). Đồng thời, 1 chung cư 22 tầng, 9 tòa nhà chung cư hỗn hợp cao 45 tầng cũng sẽ được đầu tư.

Các công trình phục vụ giáo dục gồm 3 trường mầm non (3 tầng), 2 trường tiểu học (4 tầng), 2 trường THCS (4 tầng). Ngoài ra, giai đoạn này còn có thêm một số hạng mục khác như hệ thống cây xanh, công trình thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe. Các công trình được xây dựng trong giai đoạn đầu tư có quy mô khoảng 72,7 ha, tương đương gần 27% tổng diện tích dự án.

Ở giai đoạn tiếp theo, quy mô khoảng 67,5 ha, dự án sẽ có thêm 209 căn biệt thự, 4 công trình thương mại dịch vụ cao 5 tầng, 1 trường mầm non.

Tại giai đoạn 3, chủ đầu tư sẽ xây loạt công trình trên diện tích khoảng 65,7 ha. Trong đó, có 1 trường quốc tế cao 3 tầng, 1 trường mẫu giáo cao 2 tầng, 4 công trình nhà văn phòng thương mại kết hợp nhà ở cao 27-44 tầng, 12 công trình công cộng thành phố quy mô 5-44 tầng với mật độ xây dựng tương ứng từ 11,2-48%.

2 công trình công cộng thành phố quy mô 3-40 tầng cũng sẽ được đầu tư tại giai đoạn 4 của dự án. Trong thời kỳ này, 7 công trình hỗn hợp nhà ở, thương mại, văn phòng từ 25 đến 35 tầng cũng sẽ được xây dựng, mật độ 24-45%. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ đầu tư 1 trường THCS, 1 bãi đỗ xe.

Phối cảnh tháp tài chính 108 tầng của dự án thành phố thông minh. (Ảnh: Chủ đầu tư cung cấp).

Trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 - được coi là điểm nhấn, trái tim của dự án thành phố thông minh sẽ được xây dựng ở giai đoạn cuối cùng (cuối năm 2030 đến cuối 2032). Tòa tháp này cao 639 m, nằm tại ô đất 3.3.4 trên diện tích hơn 133.000 m2, mật độ xây dựng gần 23%. Sau khi hoàn thành, dự án thành phố thông minh dự kiến có quy mô dân số hơn 25.740 người.

Dự án thành phố thông minh được BRG và Sumitomo ký thỏa thuận cùng phát triển hồi giữa năm 2017. Sumitomo - tập đoàn hơn 100 năm tuổi của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Doanh nghiệp này đầu tư và tham gia các dự án như Khu công nghiệp Thăng Long I và II (tại Hà Nội và Hưng Yên), tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tổng thầu xây dựng các nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2. Còn BRG là một trong những tập đoàn đa ngành tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, bán lẻ.

Dự án thành phố thông minh có vị trí quan trọng, nằm tại chân cầu Nhật Tân, bờ Bắc sông Hồng, giữa cầu Thăng Long và cầu Long Biên, trên trục đường Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm thành phố và khu vực Hồ Tây tới sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo chủ đầu tư, dự án 4,2 tỷ USD này sẽ có hệ thống dịch vụ thế hệ mới CityOS gồm 6 giải pháp thông minh về năng lượng, di chuyển, quản lý, cuộc sống, sức khỏe - học tập và kinh tế.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.