CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Trường An vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Hạ tầng Kỹ thuật Cụm Công nghiệp Làng nghề Hữu Bằng tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Dự án này được UBND TP Hà Nội thành lập vào tháng 6/2020. Tháng 3/2023 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi hơn 28 ha đất lúa hai vụ sáng đất phi nông nghiệp, đến tháng 12/2023 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
CCN Làng nghề Hữu Bằng có diện tích khoảng 30,6 ha, thuộc địa phận xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Phía bắc dự án giáp ranh giới xã Dị Nậu; phía đông giáp trục đường giao thông liên xã Hữu Bằng - Dị Nậu (đường H19); phía nam giáp đường nội đồng; phía tây giáp ranh giới xã Thạch Xá.
Vị trí dự án tiếp giáp CCN Dị Nậu (chuẩn bị triển khai xây dựng); cách UBND xã Hữu Bằng khoảng 530 m; cách nhà máy nước Hữu Bằng khoảng 550 m; tiếp giáp với dân cư (cơ sở sản xuất đồ gỗ) về phía nam, đông nam.
Về hiện trạng, khu đất dự án chủ yếu là đất trồng lúa của 500 hộ dân, khu trung chuyển rác thải, đất mương nội đồng và đường nội đồng. Hiện tại, xã đã bố trí điểm trung chuyển rác thải khác trong xã thay thế cho khu trung chuyển rác thải bị thu hồi.
Tổng diện tích đất lúa hai vụ tại dự án khoảng 27 ha, phần lớn diện tích đất để hoang, người dân không cấy lúa. Trong phạm vi thực hiện dự án có 9 nhà tạm lợp tôn của 9 hộ dân chủ yếu để làm xưởng sản xuất.
Vị trí thực hiện dự án là trồng lúa và đất giao thông nội đồng, có địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc về phía tây. Đường giao thông thuộc khu vực này chủ yếu là đường đất, đường bờ thửa để phục vụ sản xuất nông nghiệp với bề rộng 2 - 13 m.
Về mục tiêu, CCN Làng nghề Hữu Bằng sẽ tạo mặt bằng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu dân cư; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ít hiệu quả sang lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 16,1 ha xây dựng nhà máy, xi nghiệp; 6,7 ha đất giao thông; 3 ha đất cây xanh mặt nước; 2,7 ha đất dịch vụ hỗ trợ... Trong đó, đất công nghiệp tại dự án sẽ có 10 lô với mật độ xây dựng tối đa 70%, chiều cao tối đa 3 tầng, hệ số sử dụng đất 2,1 lần.
Tổng mức đầu tư của CCN Làng nghề Hữu Bằng là 1.159 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 680 tỷ đồng, chi phí GPMB chiếm 302 tỷ đồng, chi phí dự phòng 132 tỷ đồng... Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 30%, còn lại là vốn vay.
Về tiến độ, dự án sẽ chuẩn bị các thủ tục đầu tư đến hết quý II năm nay. Giai đoạn thi công xây dựng dự kiến bắt đầu từ quý III/2024 đến quý IV/2025. Từ quý I/2026, dự án đi vào giai đoạn thử nghiệm và vận hành chính thức. Về chủ đầu tư, Công ty Trường An được thành lập vào năm 2007, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, vốn điều lệ tại thời điểm tháng 7/2018 là 100 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, CCN Làng nghề Hữu Bằng tiếp giáp nhiều tuyến đường lớn. Vị trí dự án cách Đại lộ Thăng Long khoảng 4 km về phía nam; cách tuyến ĐT.419 khoảng 1,3 km về phía tây nam; dự án cũng nằm gần tuyến Đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc - nam qua huyện Thạch Thất chạy song song với ĐT.419.
Đường trục bắc - nam Thạch Thất có chiều dài khoảng 4,3 km. Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với ĐT419, thuộc địa phận xã Thạch Xá. Điểm cuối đấu nối vào vị trí chân cầu vượt Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Quốc Oai.
Tuyến sẽ được chia làm hai đoạn. Đoạn đầu có chiều dài khoảng 2,7 km, là đường cấp 1 đồng bằng, rộng 42 m, trong đó mặt đường xe chạy rộng 24,5 m. Đoạn 2 có chiều dài khoảng 1,6 km, nằm trong quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai, có mặt cắt ngang 60 m, trong đó mặt đường xe chạy rộng 23 m. Tốc độ thiết kế toàn tuyến 80 km/h.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ nối liền hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai qua cầu vượt Đại lộ thăng Long, tạo điều kiện di chuyển giữa hai huyện cũng như việc tiếp cận Đại lộ Thăng Long dễ dàng hơn. Tổng mức đầu tư của tuyến đường trục này là hơn 715 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ngoài ra, CCN Làng nghề Hữu Bằng còn nằm cách trục đường Hồ Tây - Ba Vì theo quy hoạch khoảng 1 km về phía bắc. Theo quy hoạch, trục Hồ Tây - Ba Vì có đoạn đầu trùng với đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), đi qua địa bàn các quận huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất, và thị xã Sơn Tây. Điểm cuối của trục đường sẽ bắt vào nút giao giữa vành đai 5 và cao tốc Hà Nội - Hòa Bình hiện nay. Đường Hồ Tây - Ba Vì cũng đi qua đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Hơn 2.500 ha đất công nghiệp đang chờ gia nhập thị trường Hà Nội
Năm 2023 vừa qua, Hà Nội thu hút được 2,943 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 70,5% so với năm trước, là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Theo báo cáo của Avision Young Việt Nam, thời gian tới dự kiến Hà Nội sẽ đón khoảng 2.526 ha từ 8 dự án. Cụ thể: KCN Bắc Thường Tín (112 ha); KCN Phụng Hiệp (175 ha tại Thường Tín); KCN Quang Minh 2 (266 ha); KCN Đông Anh (300 ha); KCN sạch Sóc Sơn (303 ha); KCN Phú Nghĩa (389 ha tại Chương Mỹ); KCN Tiến Thắng (400 ha tại Sóc Sơn) và KCN Hanssip giai đoạn 2 (581 ha).
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024