Hơn 2.500 ha đất từ 8 dự án đang chờ gia nhập thị trường BĐS công nghiệp Hà Nội

Trong thời gian tới, dự kiến Hà Nội sẽ đón khoảng 2.526 ha đất công nghiệp từ các dự án ở Thường Tín, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Đông Anh và Phú Xuyên. Trong đó, một dự án tại Phú Xuyên có thể khởi công trong năm 2024 là KCN Hanssip giai đoạn 2 (581 ha).

Một góc KCN Quang Minh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Năm 2023 vừa qua, Hà Nội thu hút được 2,943 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 70,5% so với năm trước, là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Hồi tháng 8/2023, Chính phủ đã chính thức chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho TP Hà Nội quản lý, hiện dự án vẫn còn nhiều diện tích cho thuê. Trong buổi gặp Chủ tịch Tập đoàn Lotte vào tháng 9, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào khu vực Hòa Lạc.

Cũng trong tháng 8, tại huyện Thanh Oai đã diễn ra lễ khởi công, động thổ 3 dự án: Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2 (7,7ha), Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung (9,55ha) và Cụm công nghiệp Hồng Dương (11,4ha) có tổng mức đầu tư hơn 20 triệu USD. 

Tại huyện Mê Linh, địa phương này đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Quang Minh II để thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp công nghệ cao, ngoài ra bổ sung quy hoạch KCN Tiến Thắng (400 - 500 ha) để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng. 

Trong quý IV/2023, theo nghiên cứu của Avision Young Việt Nam, tình hình hoạt động thị trường bất động sản KCN ở Hà Nội nhìn chung vẫn ổn định, không ghi nhận nguồn cung mới. Giá thuê trung bình ở mức 210 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 86%, trong đó nhiều KCN đã được lấp đầy hoàn toàn.

Với việc vành đai 4 và cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ, thị trường BĐS công nghiệp Thủ đô được kỳ vọng sẽ tăng khả năng cạnh tranh. 

KCN Hanssip (Phú Xuyên) trong quý IV/2023 đã thu hút Tập đoàn IEC đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư 125 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất. Ngoài ra, Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc trong KCN Hanssip. 

Nguồn cung đất công nghiệp của Hà Nội sắp tới. (Nguồn: Avision Young).

 Tổ hợp này bao gồm các công trình chuyên biệt cho phát minh - sáng chế - sản xuất - ứng dụng các sản phẩm Micro - chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu với phân khu sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển), nghiên cứu sáng tạo, nhà ở chuyên gia, y tế, đào tạo, logistic, văn phòng, khách sạn với tổng quy mô khoảng 200 ha. 

Avision Young Việt Nam cho biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư và TP Hà Nội đang thực hiện các thủ tục để nhanh chóng khởi công xây dựng KCN Hanssip (giai đoạn 2) trong năm 2024.

Về nguồn cung đất công nghiệp trong thời gian tới, dự kiến Hà Nội sẽ đón khoảng 2.526 ha từ 8 dự án.

Cụ thể: KCN Bắc Thường Tín (112 ha); KCN Phụng Hiệp (175 ha tại Thường Tín); KCN Quang Minh 2 (266 ha); KCN Đông Anh (300 ha); KCN sạch Sóc Sơn (303 ha); KCN Phú Nghĩa (389 ha tại Chương Mỹ); KCN Tiến Thắng (400 ha tại Sóc Sơn) và KCN Hanssip giai đoạn 2 (581 ha).

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.