Nằm giáp ranh TP HCM, ba địa phương này được dự báo sẽ là điểm nóng công nghiệp mới của phía nam

Theo chuyên gia Avision Young, trước làn sóng chuyển địa điểm sản xuất và cơ sở hậu cần đến Việt Nam, các thị trường bất động sản công nghiệp ở phía Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Thái Bình sẽ được hưởng lợi. Ở miền Nam, ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh có thể trở thành những điểm nóng công nghiệp tương lai.

Báo cáo của Avision Young Việt Nam cho thấy, trong quý IV/2023, phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển mạnh nhất trên thị trường do giá thuê tăng và tỷ lệ lấp đầy ổn định. Việt Nam đã chứng minh là một thị trường tiềm năng cho các công ty muốn dời trụ sở sản xuất của họ, dẫn đến một lượng lớn các công ty tìm cách mở rộng hoạt động của mình tại đất nước này.

Bên cạnh các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã là trung tâm phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp cũng đang được mở rộng đáng kể tại các khu vực vệ tinh và các tỉnh công nghiệp, tạo ra một mạng lưới rộng hơn của các cơ sở sản xuất trên khắp Việt Nam.

Một trong những động lực chính sau sự mở rộng này là sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới. Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập ngành công nghiệp tỷ USD khi những nhà sản xuất này thể hiện sự quan tâm của họ đến việc thiết lập hoạt động tại đất nước này.

Giá thuê khu công nghiệp tại các thành phố lớn vẫn ổn định qua từng quý. Với mức giá thuê cố định cho thời gian thuê dài hạn, việc giữ giá thuê ổn định có thể được coi là một yếu tố hấp dẫn đối với các công ty đang tìm kiếm mở rộng hoặc dời trụ sở.

Giá chào thuê hiện tại tại TP HCM được ghi nhận ở mức 232 USD/m2/kỳ, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 93%. Giá chào thuê tại Hà Nội được ghi nhận ở mức 188 USD/m2/kỳ, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 90%.

Thị trường công nghiệp Đà Nẵng hiện có giá chào thuê thấp nhất là 95 USD/m2/kỳ, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, và tỷ lệ lấp đầy cao nhất đạt 94%.

Một KCN ở Bình Phước. (Ảnh: binhphuoc.gov.vn).

Tại Hà Nội và TP HCM, chính quyền hai thành phố này đã lập kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang những mô hình công nghiệp mới, hiện đại hơn nhằm phục vụ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại và giá trị cao. Chẳng hạn, việc thành lập Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM và Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội.

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam đánh giá: "Theo làn sóng chuyển địa điểm sản xuất và cơ sở hậu cần đến Việt Nam, các thị trường bất động sản công nghiệp ở phía Bắc gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Thái Bình sẽ được hưởng lợi.

Ở miền Nam, ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh có thể trở thành những điểm nóng công nghiệp tương lai.

Một số xu hướng trung và dài hạn đang thay đổi nguồn cung bất động sản công nghiệp bao gồm phát triển bền vững, thị trường bán lẻ tập trung vào người tiêu dùng, sự tăng tốc của thương mại điện tử, phương thức quản lý hàng tồn kho chuyển từ kịp thời sang dự phòng, và đa dạng hóa chuỗi cung ứng".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.