Nhiều doanh nghiệp lớn đang nghiên cứu đầu tư khu đô thị, nghỉ dưỡng hàng trăm ha ở Tam Kỳ

Nhiều doanh nghiệp lớn như Geleximco, FPT, Sun Group... đã đề xuất lập quy hoạch, đầu tư dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng quy mô lớn ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

'Đích ngắm' của nhiều doanh nghiệp lớn

TP Tam Kỳ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và dịch vụ của tỉnh Quảng Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2016, TP Tam Kỳ được Chính phủ công nhận là đô thị loại II.

Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng TP Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; mở rộng không gian nội thị của đô thị, với khả năng quy nạp 170.000 dân; thu hút dân số tương đương với quy mô không gian đô thị.

Còn đến năm 2030, hình thành đô thị Tam Kỳ loại I trực thuộc tỉnh. Địa phương là một trong những trung tâm lớn đa ngành, đa lĩnh vực của khu vực miền Trung, đô thị sinh thái, thông minh, văn hóa - lịch sử gắn với bảo vệ môi trường.

Chính vai trò và tầm nhìn như trên, TP Tam Kỳ đã thu hút nhiều tập đoàn lớn tìm đến xin đề xuất lập quy hoạch, đầu tư dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng quy mô lớn. 

Một góc đô thị Tam Kỳ hiện nay. (Ảnh: Chu Lai).

Gần đây nhất, Tập đoàn Geleximco - CTCP có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị được nghiên cứu quy hoạch chi tiết và lập đề xuất dự án đầu tư Khu đô thị, du lịch biển sinh thái tại xã Tam Thăng, xã Tam Thanh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ quy mô 800 ha. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Geleximco nghiên cứu, lập đề xuất dự án.

CTCP FPT trước đó đề xuất đầu tư xây dựng một khu đô thị công nghệ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, đề xuất thực hiện quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị công nghệ FPT Quảng Nam với trọng tâm là trung tâm chuyển đổi số quốc tế. Phạm vi nghiên cứu toàn khu đô thị công nghệ khoảng 300 ha.

FPT có thể nghiên cứu đầu tư toàn bộ dự án hoặc một phần với cơ cấu sử dụng đất và chức năng phù hợp, phần còn lại có thể hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư khác để triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn khu đô thị hoặc tỉnh Quảng Nam sẽ kêu gọi nhà đầu tư khác tham gia đầu tư,…

Còn CTCP Tập đoàn FLC có đề xuất tỉnh Quảng Nam giới thiệu địa điểm, ranh giới, hiện trạng sử dụng đất để nghiên cứu các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, sân golf, khu vui chơi giải trí ở TP Tam Kỳ.

Văn phòng UBND tỉnh đã đề nghị FLC gửi hồ sơ, tài liệu, làm việc với UBND TP Tam Kỳ, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp để được giới thiệu địa điểm nghiên cứu các dự án theo đề nghị của công ty hoặc địa điểm khác phù hợp.

CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) trong năm 2021 cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh), TP Tam Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các địa phương hướng dẫn Sun Group hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.

Còn Công ty TNHH MTV Panko E&D (thuộc Tập đoàn Panko) trước đó có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam cho nghiên cứu đầu tư Khu đô thị thông minh và resort, sân golf trên địa bàn TP Tam Kỳ.

Lãnh đạo Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp nghiên cứu, đề xuất cụ thể về ý tưởng, loại hình đầu tư, các khu chức năng tại các khu vực được Ban Quản lý giới thiệu, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Địa phương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định để công ty đăng ký tham gia.

Đang nghiên cứu một số dự án lớn ven sông 

Hồi tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chủ trì họp nghe báo cáo ý tưởng nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ. Dự án nghiên cứu có diện tích 275 ha, trong đó dự án khu dân cư - tái định cư Nam An Phú quy mô 38 ha.

Theo định hướng, Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ sẽ xây dựng trung tâm dịch vụ khách sạn cao cấp gắn với hệ sinh thái sông nước. Các phân khu chức năng sẽ đầu tư xây dựng phố thấp tầng kết hợp thương mại - dịch vụ mua sắm, phân khu biệt thự cao cấp, phân khu nhà ở xã hội và tái định cư tại chỗ. Riêng phân khu chức năng ở phía nam, đô thị kết nối sông nước, kết nối khu công viên thể thao cộng đồng và sân vận động Tam Kỳ.

TP Tam Kỳ sẽ có khu đô thị sinh thái ven sông. Trong ảnh, ven sông Tam Kỳ hiện nay. (Ảnh: Chu Lai).

Ông Thanh giao UBND TP Tam Kỳ lựa chọn, xác định mô hình đầu tư khu đô thị sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên, cảnh quan tại khu vực. Trong quá trình nghiên cứu, lập thủ tục đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ cần hết sức cân nhắc các yếu tố không gian kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái tại khu vực.

Hồi tháng 1, Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam (Ban Quản lý) cũng có báo cáo UBND tỉnh về hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị công nghệ ven sông Đầm với diện tích khoảng 225 ha. Địa điểm thực hiện ở phường An Phú và xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ.

Mục tiêu dự án là xây dựng khu đô thị công nghệ góp phần hình thành một phần trục tri thức kết hợp với phát triển thương mại dịch vụ, công cộng đô thị; là nơi tập trung hệ thống các công trình công cộng dịch vụ đô thị, phát triển đô thị công nghệ,... Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là gần 3.000 tỷ đồng; dự kiến thời gian thực hiện là 6 năm, từ năm 2022 đến năm 2028.

UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Quản lý tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất. Sau đó, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.