Reuters đưa tin, giới kinh doanh Mỹ đang thúc giục Tổng thống Donald Trump nên thận trọng trong việc đáp trả kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh đối với Hong Kong.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, hành động của Trung Quốc đã làm mất quyền tự trị của Hong Kong. Trước đó, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua bản dự thảo "Quyết định về thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lí, cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong, để đảm bảo an ninh quốc gia".
Bản dự thảo gồm 7 điều, trong đó có nội dung "ngăn chặn và trừng phạt bất kì hành động nào diễn ra tại Hong Kong, gây chia rẽ đất nước, lật đổ chính quyền, các hoạt động khủng bố và những hành vi khác đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, cũng như hoạt động của các lực lượng bên ngoài để can thiệp vào vấn đề Hong Kong".
Từ khi Trung Quốc rục rịch ban hành luật mới về Hong Kong, Nhà Trắng đã có nhiều động thái đáp trả, từ việc tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với quan chức cấp cao của nước này, đến chấm dứt hoàn toàn cách đối xử tách biệt Hong Kong và Trung Quốc đã kéo suốt hơn 22 năm qua về thương mại, thị thực, đầu tư và kiểm soát xuất khẩu.
"Các văn bản luật tại Trung Quốc vẫn chưa được công bố. Vấn đề nằm ở cách dùng từ", ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung cho biết. Nhóm này muốn thấy tất cả các bên hạ nhiệt, và duy trì mô hình 'một quốc gia hai thể chế' cho Hong Kong, mà theo ông là "mô hình đã phục vụ mọi người rất tốt trong nhiều năm qua".
Phòng Thương mại Hoa Kỳ hôm 25/6 đã nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng tự trị của Hong Kong sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng". Áp lực trong mối quan hệ Mỹ - Trung đang gia tăng, và không chỉ gói gọn trong thương mại hay sở hữu trí tuệ mà còn về nhiều nghi vấn đối với nguồn gốc Sars-CoV-2.
Hôm 27/5, Hạ viện kêu gọi Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Scott Kennedy, một cố vấn cấp cao và chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho rằng việc đáp trả gấp gáp và gay gắt của Mỹ có thể làm tổn thương tình hình tại Hong Kong, và làm sụp đổ mối quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh vốn đã căng thẳng từ lâu.
Hong Kong là nơi tổ chức hoạt động của 1.300 công ty và khoảng 85.000 cư dân Mỹ. Mỹ trong suốt 22 năm qua luôn coi đặc khu này là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á.
Thế nhưng, một số công ty tài chính quốc tế đã tạm dừng kế hoạch mở rộng tại Hong Kong, và chuyển nhân viên sang các trung tâm châu Á khác, sau các cuộc biểu tình kéo dài từ năm ngoái. Một sự thay đổi lớn về địa vị pháp lí của Hong Kong có thể đẩy nhanh xu hướng đó.
"Tôi nghĩ rằng quá trình rời đi của các công ty đã bắt đầu khởi động. Việc ban hành một đạo luật an ninh quốc gia thực sự như thêm dầu vào lửa", ông Hay Mariano, Giám đốc tập đoàn Eurasia Group tại Washington, cho biết.
Dane Chamorro, một đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Control Risk Group, nhận định rằng một cuộc di cư lớn hơn có xảy ra, hay không còn phụ thuộc vào việc luật an ninh mới có duy trì khuôn khổ luật kinh doanh của Hong Kong và việc di chuyển vốn tự do hay không. "Chắc chắn sẽ có người đang cân nhắc tạm biệt Hong Kong, nhưng họ sẽ không rời đi chừng nào hai thứ đó vẫn còn đó", ông Chamro khẳng định.
Theo ông, nhiều công ty quốc tế xem trọng việc bảo mật thông tin. "Điều quan trọng hơn là giữ gìn sự tôn nghiêm của các hợp đồng, quy tắc lao động nhất quán và các động thái về pháp luật phải được 'nhá hàng' để giới kinh doanh kịp thích ứng", Chamorro nói.