Doanh nghiệp phải đăng báo, công khai hoạt động tận thu cát

Trước ngày 15/10, các doanh nghiệp được cấp phép phải đăng trên 3 số báo liên tiếp, công khai hoạt động nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông.

Kể từ ngày 15/10 sắp tới, các doanh nghiệp có phép sẽ bắt đầu được trở lại nạo vét, cải tạo luồng, tận thu sản phẩm trên sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn Hà Nội. Trước đó, từ 15/6 đến 15/10, hoạt động này bị cấm nhằm tránh gây sạt lở, đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.

Trao đổi với phóng viên Việt Nam Mới, ông Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Hà Nội cho biết, hiện cơ quan chức năng đã cấp 13 giấy phép cho các doanh nghiệp được nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn Hà Nội.

Nhằm phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép, cuối tháng 9 vừa qua, Phòng CSĐT Hà Nội đã mời đại diện của tất cả các doanh nghiệp nói trên tới trụ sở của Phòng để làm việc. Buổi làm việc còn có sự tham dự của nhiều đơn vị quản lý liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng CSĐT yêu cầu các doanh nghiệp có phép phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là Thông tư số 69 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét.

doanh nghiep phai dang bao cong khai hoat dong tan thu cat
Phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng hồi tháng 8 vừa qua.

Theo ông Cương, Thông tư 69 của Bộ GTVT quy định rõ doanh nghiệp cần đủ những điều kiện gì thì mới được cấp phép và sau khi được cấp phép thì phải hoạt động như thế nào.

Theo quy định, trước khi hoạt động vào ngày 15/10 tới đây, các doanh nghiệp phải đăng trên 3 số báo liên tiếp, thông tin cụ thể về việc triển khai thực hiện dự án. Thông tin đăng tải trên báo chí cần nêu đầy đủ về thời gian, tiến độ thi công, quy mô dự án, chủng loại phương tiện thi công, hình thức thực hiện dự án.

Doanh nghiệp đồng thời phải niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công dự án. Bảng niêm yết thể hiện cơ quan phê duyệt dự án, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, quy mô dự án, tiến độ thi công dự án, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện dự án.

“Doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy, phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi mà dự án của của doanh nghiệp hoạt động… Trước khi hoạt động, doanh nghiệp phải công bố trên 3 số báo gần nhất liên tục để người dân trong khu vực đó biết về dự án.

Việc công bố thông tin này nhằm để người dân biết và ủng hộ dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không phải cát tặc,” ông Cương cho biết.

Phó trưởng Phòng CSĐT cho biết thêm, tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép là vấn đề diễn biến phức tạp. Trước đây, tình trạng này đã diễn ra và thời gian tới cũng không thể khẳng định tình trạng này không tái diễn được.

Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Cương cảnh báo, bất cứ trường hợp nào khai thác cát trái phép, sai phép sẽ bị lực lượng CSĐT xử lý nghiêm.

“Đây là những doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Chúng tôi ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, nhưng phải trên cơ sở các doanh nghiệp này hoạt động đúng quy định, chấp hành pháp luật. Nếu phát hiện bất cứ đơn vị nào không chấp hành, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm,” ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, vừa qua, Phòng CSĐT đã tham mưu tới Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và ban ngành liên quan tiến hành cấp xuồng máy cho các quận, huyện có sông chảy qua.

Chính vì thế, các quận, huyện cũng phải có trách nhiệm phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép. Quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn.

Trước đó, Việt Nam Mới đã có một số bài viết phản ánh về tình trạng “cát tặc” lộng hành trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, trong thời gian tháng 8 tới nửa đầu tháng 9, hầu như đêm nào di chuyển trên sông, phóng viên đều phát hiện rất nhiều phương tiện khai thác cát. Có địa điểm, chúng tôi nhận thấy có ít nhất 40 tàu sang mạn, tàu hút và vận chuyển cát hoạt động tấp nập như một thành phố nổi trên sông.

Nắm được thông tin, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép.

Nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an thành phố, trong những ngày cuối tháng 9, tình hình khai thác cát trái phép đã giảm đi rõ rệt. Từ đầu tháng 10 tới nay, khi di chuyển trên trên sông Hồng thuộc địa bàn quản lý của Đội TTKS số 1 và Đội TTKS số 3 Phòng CSĐT Hà Nội, phóng viên gần như không phát hiện trường hợp khai thác cát trái phép nào.

Tuy nhiên, tại khu vực gần chân cầu Thăng Long, thuộc địa bàn quản lý của Đội TTKS số 2, phóng viên vẫn phát hiện một số tàu lén lút khai thác cát vào ban đêm. Điển hình, khoảng 2h30 sáng 5/10, phóng viên phát hiện chiếc tàu mang số hiệu TH05TQ.0564.H hút cát trái phép tại sát bờ sông Hồng, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, cách chân cầu Thăng Long khoảng 500m.

Danh sách các doanh nghiệp được nạo vét, cải tạo luồng tại Hà Nội gồm:

- Công ty CP Việt Xuân Mới

- Công ty CP Cát Đại Lợi

- Công ty TNHH Tuấn Quỳnh

- Công ty TNHH Quý Thập

- Công ty TNHH Vĩnh Phúc

- Công ty Khai thác khoáng sản Sông Hồng

- Công ty TNHH My Hương

- Công ty TNHH Nhật Anh

- Doanh nghiệp tư nhân Dũng Hoa

- Công ty Nam Cường

- Công ty CP V&T

- Công ty T&T.

Riêng Công ty CP Việt Xuân Mới được phép nạo vét tại 3 địa điểm khác nhau.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.