Doanh nghiệp 'than' thủ tục làm NOXH quá lâu, không dưới 600 ngày

Theo thông tin từ các doanh nghiệp bất động sản là hội viên của VARS chuyên phát triển NOXH, thủ tục phê duyệt dự án NOXH hiện tại rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn.

(Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến ngày 18/5, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn, đạt 4,6% so với mục tiêu đề ra; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

VARS cho biết, ngay cả khi tất cả các dự án đang triển khai hoàn thành vào giai đoạn 1, để đạt được kế hoạch hoàn thành 428.000 căn trước năm 2026 thì từ nay đến năm 2025 cần phê duyệt và hoàn thành thêm 119.985 căn.

Trong khi đó, theo thông tin của các doanh nghiệp bất động sản là hội viên VARS chuyên phát triển NOXH, thủ tục phê duyệt dự án NOXH rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn.

Trong khi đó, gói 120.000 tỷ vẫn chưa có cơ hội phát huy tác dụng, phần lớn do các dự án thuộc đối tượng được vay vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Một số dự án còn lại đang trong giai đoạn được các địa phương tổng hợp, chờ công bố. Nếu không có các cơ chế mới để phát triển phân khúc này, rất khó để đạt được kế hoạch đề ra.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra ngày 3/8 mới đây, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề xuất rút ngắn quy trình đầu tư NOXH xuống dưới 12 tháng.

"Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại 24 - 36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng.

Về tiêu chí người mua NOXH và quy trình thủ tục xét duyệt, chúng tôi đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.

Về vấn đề lãi suất, hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7% và người mua nhà ở xã hội là 8,2% năm, rất cao. Chúng tôi kiến nghị, chủ đầu tư được vay ở mức dưới mức 6% và người mua nhà là dưới 4,5% năm.

Về lợi nhuận định mức các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên quy định ở mức trên 10%, thay cho dưới 10% như hiện nay. Chúng tôi cũng kiến nghị, các địa phương ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai thì sẽ kết nối được ngay", theo ông Khôi.

Cũng trong buổi làm việc 3/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiều doanh nghiệp ngày càng kém mặn mà làm NOXH, khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia phân khúc này có phần giảm sút, hạn chế.

Nguyên nhân là bởi các nghị định trước đây có cơ chế khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất để làm nhà ở thương mại nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội, hạ giá thành.

Tuy nhiên, tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vừa qua có điều chỉnh không có quỹ 20% này mà chỉ tập trung vào một số ưu đãi, ví dụ phát triển các không gian thương mại, dịch vụ, không đủ điều kiện hấp dẫn, vì vậy mới có dấu hiệu chững lại. Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai hiện nay chủ yếu là đã hình thành trước đây.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.