Cuối tháng 11, báo The Times của Anh dẫn chứng về việc nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trước và trong các video có nội dung không phù hợp liên quan đến trẻ em, như cảnh bé gái mặc chiếc quần nhỏ, đang vệ sinh cá nhân hoặc nằm ngủ. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.
Tại Việt Nam, hồi tháng 3, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đăng quảng cáo sai phạm trên YouTube. Tuy nhiên, sau vài tháng, tình trạng quảng cáo trên các video có nội dung, bình luận độc hại, thậm chí mang tư tưởng ấu dâm vẫn diễn ra tràn lan. Xuất hiện cạnh các video triệu view này là các thương hiệu danh tiếng như Thaco, Thế giới Di động, Abbott, Pond's, Vietjet Air, Vinasoy, Viettel, Techcombank...
Quảng cáo Thế giới Di động được YouTube hiển thị trên video tiếng Hàn với nội dung khiêu gợi. |
"YouTube đang để tồn tại nhiều video, bình luận có nội dung ấu dâm, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con trẻ, và thật bất ngờ là bên cạnh những video, bình luận có nội dung ấu dâm, gợi dục là quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn", chị Thúy - một phụ huynh tại TP.HCM - bức xúc.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện từ Thaco, Vietjet Air đều bất ngờ trước việc thương hiệu của mình đặt cạnh những nội dung đen. Đại diện Thaco phân trần doanh nghiệp này không ký bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào với YouTube, Google.
"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay, và nếu đúng sẽ yêu cầu dừng quảng cáo ngay lập tức", ông nói.
Trong khi đó, Vietjet Air lý giải vấn đề nằm ở thuật toán tự động của Google, quảng cáo dựa vào sức hút của video, mà không phân biệt được nội dung tốt xấu.
"Đó là việc không mong muốn. Chúng tôi ngay lập tức đã yêu cầu bộ phận liên quan làm việc với Google để chấm dứt tình trạng này", đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết.
Đại diện Thế giới Di động cho biết từng mạnh tay cắt quảng cáo trên YouTube. Sau đó, Google đã can thiệp vào hệ thống quảng cáo của Thế giới Di động để ngăn chặn việc xuất hiện quảng cáo ở những chỗ không phù hợp.
"Nếu có hiển thị ở một vài quảng cáo không phù hợp thì có thể là do bộ lọc này bị sót. Hiện chúng tôi đang làm việc với Google về việc này", vị này nói.
Quảng cáo sữa Abbott xuất hiện cạnh video có chứa những hình ảnh dung tục. |
Trong khi đó, một doanh nghiệp thực phẩm toàn cầu cũng cho biết văn phòng Việt Nam của họ cũng đã nhận được cảnh báo từ công ty tổng ở nước ngoài về việc quảng cáo trên YouTube và những nội dung phản cảm, mang tính ấu dâm.
Theo Lê Uyên - chuyên gia quảng cáo online tại TP.HCM, tùy vào vị trí quảng cáo và đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhãn hàng ở Việt Nam đang phải trả từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cho một nghìn lượt xem quảng cáo trên YouTube.
Trong khi đó, Nhật Mai - chủ một kênh YouTube ở TP.HCM cho biết kênh của cô chỉ nhận được khoảng 1,53 USD (tương đương gần 40.000 đồng) cho một nghìn lượt xem. Đây là mức phổ biến đối với thị trường Việt Nam, trong khi ở các nước châu Mỹ, con số này gấp 10 lần (12-15 USD, tương đương 300.000-400.000 đồng). Phần chênh lệch chính là lợi nhuận của YouTube và đơn vị quảng cáo trung gian.
Kênh có view càng cao, cơ hội kiếm tiền từ các nhãn hàng càng nhiều, nhưng không đảm bảo các nội dung xấu, độc không lẫn trong đó
Lê Uyên - chuyên gia quảng cáo online
Lê Uyên cho hay các nhãn hàng có quyền lựa chọn việc quảng cáo của họ sẽ không hiển thị trên kênh nào, nhưng thường phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Các đơn vị này thường phân phối quảng cáo của khách theo kiểu "quăng lưới", tức là chỉ dựa theo đối tượng mục tiêu và độ "hot" của kênh. Các kênh càng có lượng view cao, cơ hội để họ kiếm tiền từ khách hàng càng nhiều, nhưng không đảm bảo không lẫn trong đó một số kênh có nội dung xấu, độc.
Quảng cáo của Pond's hiển thị phía trên những nội dung phản cảm |
.
Bình luận về phản ứng của các nhãn hàng trong nước khi phát hiện quảng cáo của mình hiển thị trên những video xấu độc, chị Lê Uyên cho rằng họ vẫn khá bị động, chưa cương quyết với YouTube như các thương hiệu nước ngoài, dù từng có khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
"Các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu dùng phương pháp thủ công, khi phát hiện quảng cáo của mình hiện trên những nội dung xấu mới tiến hành gỡ khỏi những kênh đó. Không ít trường hợp làm ngơ, vô tình tiếp tay cho nạn video bẩn", chị Uyên cho biết.
Quy trình doanh nghiệp đưa quảng cáo lên YouTube. |
Cuối tháng 11, YouTube đã xoá 270 tài khoản và hơn 150.000 video, tắt bình luận bên dưới 625.000 video có khả năng thu hút những kẻ ấu dâm. Đây là động thái mới nhất của nền tảng chia sẻ video này, sau khi các thương hiệu lớn như Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard đồng loạt ngừng quảng cáo trên YouTube do phát hiện chúng hiện trên những video không phù hợp.