Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 11. Để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án theo đúng kế hoạch, tỉnh Lai Châu đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ có tổng mức đầu tư gần 5.340 tỷ đồng đi qua 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự án gồm 2 tuyến, thực hiện trong 5 năm: tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài hơn 51 km và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km.
Theo đó, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai 132,8 km đường nâng cấp cải tạo, hơn 14 km đường xây dựng mới và xây dựng 17 cây cầu với chiều dài 730m đi qua các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu.
Tại huyện Tam Đường, dự án có hai gói thầu XL-06 với chiều dài tuyến khoảng 6km, đi qua 2 xã Bản Bo, Nà Tăm. Gói thầu này thực hiện khoảng 80% việc đo đạc ngoài hiện trường để hoàn thiện bản đồ thu hồi đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận trong tháng 10.
Còn gói thầu XL-08 đi qua 2 xã Bản Giang, Bản Hon chiều dài khoảng 14,1 km, với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng 40,1 ha; có 382 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng và 75 hộ có mộ trong khu vực nghĩa địa xã Bản Hon. Hết tháng 9 đã chi trả 84/89 hộ gia đình ở xã Bản Giang với số tiền 5.350 triệu đồng và 185/265 hộ gia đình ở xã Bản Hon với số tiền gần 7,8 tỷ đồng và lập hồ sơ thiết kế 2 khu tái định cư, đã có kết quả thẩm định.
Ông Phạm Hải Triều, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tam Đường cho biết, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, tình hình sử dụng đất của nhân dân phức tạp; hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đồng bộ. Phần ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án đường tỉnh 136 thực hiện năm 2010 đã bị mất hoàn toàn hiện trạng, tài sản, nên mất nhiều thời gian xác minh, thu thập lại các hồ sơ đã bồi thường.
Do trình độ hiểu biết của người dân không đồng đều nên có nhiều kiến nghị về đất tái định cư, giá đất, giá tài sản thấp so với thực tế… Từ đó, mất nhiều thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ theo dự kiến. Với những khó khăn trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tam Đường đã phối hợp với chính quyền các xã giải thích, vận động người dân đồng thuận chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tam Đường chia sẻ, để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, anh cùng cán bộ xã đến từng gia đình hướng dẫn bà con nhân dân xem trên bản đồ phạm vi diện tích đất bị ảnh hưởng để giải thích.
Đến nay, gần 100% các hộ gia đình đã đồng thuận chủ trương thực hiện dự án và thu hồi đất theo đúng quy định. Đối với những hộ gia đình còn thắc mắc sẽ tiếp tục đến kiểm kê lại tài sản để bổ sung thêm một số hạng mục tài sản cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Chị Giàng thị Dí, dân tộc Mông, bản Chăn Nuôi, xã Bản Hon, huyện Tam Đường vui vẻ cho hay, khi làm đường gia đình chị được giải tỏa 250 m2 đất ruộng với số tiền đền bù 33 triệu đồng. Gia đình chị hài lòng với số tiền đền bù này vì đây là lợi ích chung của cộng đồng.
Còn ông Tao Văn Phát, bản Đông Pao 1, xã Bản Hon bộc bạch, lúc đầu do chưa hiểu về ranh giới diện tích đất giải phóng mặt bằng nên ông không đồng ý với số tiền bồi thường. Thế nhưng sau khi được cán bộ chuyên môn giải thích thì ông đã hiểu và chấp thuận với chính sách bồi thường.
Năm 2021, huyện Tam Đường được cấp 20,9 tỷ đồng, trong đó đã phê duyệt hơn 16,8 tỷ đồng để thực hiện dự án trên. Hết tháng 9, huyện đã giải ngân 12,3 tỷ đồng, số còn lại huyện sẽ giải ngân trong tháng 10.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tam Đường cho biết thêm, trong tháng 10 Trung tâm chuẩn bị phương án cưỡng chế đối với 3 hộ gia đình có tài sản xây dựng trên phạm vi đất đã thu hồi không chấp hành quyết định bồi thường.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường cho 57 hộ tại xã bản Hon trong tuần 1 tháng 10; tiếp tục tuyên truyền vận động, xác minh ranh giới đã thu hồi để nhận được sự đồng thuận của 20 hộ chưa đồng ý với phương án.
Còn tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên đến nay cơ bản đã hoàn thiện xong các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu: tư vấn đo đạc địa chính, tư vấn giám sát, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm công trình, tư vấn giá đất cụ thể và gói thầu tư vấn định giá bồi thường về tài sản, kiến trúc cây cối hoa màu thay thế. Các huyện tiếp tục hoàn thiện thủ tục để trình kiểm tra, ký duyệt bản đồ và trình thẩm định giá tài sản, vật kiến trúc, hoa màu thay thế.
Riêng thành phố Lai Châu hiện còn khoảng 40 hộ chưa nhận tiền đền bù do không có mặt ở địa phương và yêu cầu kiểm kê lại tài sản bị thiếu. Trong tháng 10 thành phố tiếp tục vận động các hộ gia đình còn lại nhận tiền đền bù, phúc tra lại tài sản vật kiến trúc còn thiếu, lâp phương án bồi thường bổ sung.
Theo ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lai Châu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi để dự án được triển khai đúng tiến độ, Sở tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương sớm hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình.
Cùng đó, sớm hoàn thành chi trả tiền đền bù cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho dự án; có giải pháp để lập phương án bồi thường đối với các trường hợp hộ gia đình không có mặt trên địa bàn. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án xây dựng khu tái định cư để bàn giao mặt bằng theo kế hoạch; sớm hoàn thành bản đồ địa chính để trình phê duyệt… tạo thuận lợi để dự án được triển khai theo đúng tiến độ.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc khi hoàn thành sẽ đảm bảo kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu nói riêng và các địa phương khác về thủ đô Hà Nội.
Từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; tăng khả năng liên kết giữa các tỉnh, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.