Đối lập 2 khu vực sắp 'lên đời' ở Lâm Đồng: Đất nền Bảo Lâm được săn đón, Lạc Dương lác đác vài chục giao dịch

Thời gian tới, toàn bộ huyện Lạc Dương sẽ sáp nhập vào TP Đà Lạt, trong khi 5 xã của huyện Bảo Lâm cũng sẽ được sáp nhập vào TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, diễn biến thị trường bất động sản tại Lạc Dương và Bảo Lâm lại đi ngược nhau.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh này vừa qua đã ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương sẽ được sáp nhập vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị cho thành phố này.

Diện tích huyện Lạc Dương rộng khoảng 1.314 km2, như vậy trong tương lai, không gian đô thị của TP Đà Lạt sẽ rộng gấp 4,3 lần so với hiện nay, từ khoảng 393 km2 lên hơn 1.707 km2, lớn hơn một số địa phương trực thuộc Trung ương như TP Hải Phòng (1.508 km2); TP Đà Nẵng (1.285 km2) hay TP Cần Thơ (1.439 km2).

Cùng với đó, TP Bảo Lộc cũng sẽ được mở rộng khi sáp nhập thêm 5 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc của huyện Bảo Lâm. Ngoài ra, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện.

Trước thông tin trên, thời gian gần đây thị trường bất động sản tại những khu vực sắp sáp nhập vào thành phố lại có diễn biến đối nghịch nhau.  

Một góc huyện Bảo Lâm. (Ảnh: Báo Lâm Đồng). 

Lượng giao dịch đất nền Bảo Lâm dẫn đầu toàn tỉnh

Thông tin từ Sở Tư Pháp tỉnh Lâm Đồng cho thấy trong quý III/2023, toàn tỉnh có tổng cộng 5.307 giao dịch bất động sản, chủ yếu thuộc phân khúc đất nền (với 4.930 giao dịch) và nhà ở riêng lẻ (với 377 căn).

Trong đó, huyện Bảo Lâm - địa phương có 5 xã chuẩn bị sáp nhập vào TP Bảo Lộc - dẫn đầu về số giao dịch đất nền trên cả tỉnh với 1.079 giao dịch, thu về hơn 575 tỷ đồng.

Ở quý II, địa phương này ghi nhận 1.253 lô đất nền được bán ra, thu về gần 600 tỷ đồng và quý I bán được 1.127 lô đất nền, thu về gần 680 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặc dù phân khúc đất nền ở huyện Bảo Lâm vẫn dẫn đầu cả tỉnh Lâm Đồng suốt từ đầu năm 2023 đến nay, song diễn biến thị trường trong quý III đã giảm nhiệt hơn so với 2 quý trước đó.

Thị trường nhà ở riêng lẻ ở địa phương này cũng trong tình trạng tương tự. Quý III ghi nhận 9 giao dịch thành công với tổng giá bán đạt khoảng 4,9 tỷ đồng. Trong khi con số này trong quý II và quý I lần lượt là 54 giao dịch (thu về gần 2,5 tỷ đồng) và 61 giao dịch (thu về gần 43 tỷ đồng).

 Số lượng giao dịch BĐS ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) trong 3 quý đầu năm 2023. (Ảnh: Di Anh).

Hơi nóng Đà Lạt vẫn chưa "phả" vào Lạc Dương

Trong quý III, TP Đà Lạt có 419 lô đất nền được bán ra (thu về hơn 844 tỷ đồng), tiếp tục có sự tăng trưởng. Trước đó ở quý I và quý II, số giao dịch đất nền thành công của Đà Lạt lần lượt là 269 và 360.  

Các chỉ số về nhà ở riêng lẻ tại Đà Lạt cũng đều tăng dần qua các quý. Cụ thể, có 153 căn được bán ra trong quý vừa qua, tổng giá bán đạt gần 1.117 tỷ đồng, trong khi quý I có 67 căn được bán ra, thu về hơn 438 tỷ đồng; quý II có 92 căn giao dịch thành công, thu về gần 630 tỷ đồng.

Ở huyện Lạc Dương - địa phương chuẩn bị sáp nhập vào TP Đà Lạt, thị trường diễn ra tương đối trầm lắng. Trong quý III, huyện này có 60 lô đất nền được bán ra, thu về hơn 121 tỷ đồng. So với quý trước đó, cả 2 chỉ số trên đều sụt giảm hơn 50% khi quý II có 138 lô đất giao dịch thành công, thu về hơn 250 tỷ đồng.

Với phân khúc nhà ở riêng lẻ, quý III toàn huyện Lạc Dương có 1 căn được bán với giá 300 triệu đồng, còn 2 quý trước đó đều không ghi nhận giao dịch nào.

 Số lượng giao dịch BĐS ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) trong 3 quý đầu năm 2023. (Ảnh: Di Anh).

Nhiều giao dịch nhưng chưa phải sốt đất

Chia sẻ với người viết, chị Tú Trinh, môi giới một sàn giao dịch địa phương cho biết, cuối năm 2021, khi cơn sốt đất nền ở Lâm Đồng đạt đỉnh, đơn vị của chị từng bán được hơn 100 lô đất ở huyện Bảo Lâm trong thời gian ngắn.

Đầu tháng 8 vừa qua, chị đăng tin rao bán khu đất đối diện đồi chè Tâm Châu ở Bảo Lâm, gồm 8 lô diện tích 70 - 100 m2, giá dao động 700 - 750 triệu đồng/lô. Đến cuối tháng 9, các lô đất đều đã tìm được chủ.

Theo chị Trinh, hiện nay mặc dù số lượng giao dịch ở Lâm Đồng đang cao hơn so với nhiều địa phương khác, song chưa phải là sốt đất.

Các địa phương như Bảo Lộc hay Đà Lạt là những khu vực phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh nên đến thời điểm này, giá bất động sản đều khá cao. Nhà đầu tư có nhu cầu nên tìm đến những khu vực khác còn nhiều dư địa phát triển, tiềm năng sinh lời sẽ lớn hơn. 

Khu đất đối diện đồi chè Tâm Châu có giá từ 700 - 750 triệu đồng/lô. (Ảnh nhân vật cung cấp). 

“Đơn cử như ở huyện Lâm Hà, giá đất nền huyện này đang ở khoảng 4 triệu đồng/m2, nếu mua những lô lớn trên 2.000 m2 thì giá còn rẻ hơn, khoảng trên dưới 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, điểm trừ là thường bán theo lô lớn, diện tích thường là 500 m2 - 1.000 m2 - 1.500 m2 nên tài chính nhà đầu tư cần có 2 - 5 tỷ mới có thể mua”, chị Trinh cho hay.

Trong quý III, huyện Lâm Hà có 807 lô đất nền bán ra thành công, tổng giá bán đạt gần 494 tỷ đồng và chỉ xếp sau huyện Bảo Lâm về số lượng giao dịch. Song, do quỹ đất ở đây còn rẻ nên xét về tổng số tiền thu về, Lâm Hà xếp sau TP Đà Lạt, huyện Bảo Lâm và huyện Đức Trọng.

Nhìn chung, theo chị Trinh, Lâm Đồng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và thu hút đầu tư. Thời gian tới, tỉnh này được hưởng lợi nhờ tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; đường liên vùng kết nối Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng; đèo Prenn đã có kế hoạch khởi công nâng cấp, mở rộng; tuyến đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ được khôi phục...

chọn
Cận cảnh cầu vượt đường sắt nối nút giao Liêm Tuyền - QL1A ở Phủ Lý, Hà Nam đang xây dựng
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với QL 1A và cầu Châu Sơn ở TP Phủ Lý, Hà Nam nhằm loại bỏ xung đột giao thông giữa đường sắt quốc gia với đường bộ.