Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhiều khu vực ở Tây Nguyên đã xảy ra sốt đất cục bộ và Lâm Đồng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Một làn sóng từ các sàn giao dịch, nhà đầu tư đã đổ bộ thị trường này trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, gần một năm nay, thị trường bất động sản Lâm Đồng đã hạ nhiệt đáng kể. Từ quý III/2022, hoạt động mua bán bán đất nền đã có dấu hiệu giảm mạnh khi chỉ có hơn 6.000 nền được giao dịch thành công (giảm hơn 13.000 so với quý trước đó), giá đất có xu hướng giảm nhẹ, một số nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ.
Bước sang quý IV/2021, thị trường bất động sản Lâm Đồng gần như đứng yên. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại địa phương gặp khó khăn khi có trên 20 doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân sự và giảm lương.
3 tháng đầu năm nay, thị trường Lâm Đồng vẫn tiếp tục đà ảm đạm.
Theo Báo Lâm Đồng, trong quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 2.192 giao dịch, giảm hơn 10.000 so với cùng kỳ năm 2022. Cùng thời điểm này năm 2022, giao dịch đất nhà tại Lâm Đồng có 12.467 giao dịch. Bên cạnh đó, cấp giấy phép xây dựng bất động sản cũng sụt giảm 50%.
Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, trước sự đóng băng của thị trường bất động sản, thu ngân sách Nhà nước trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng, chậm tiến độ. Trong đó, 2 khoản thu chủ yếu từ giao dịch bất động sản là thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do số hồ sơ giao dịch chuyển nhượng bất động giảm mạnh.
Trong bối cảnh thị trường khó, Lâm Đồng còn phải đối mặt với tình trạng phân lô bán nền, lợi dụng việc hiến đất làm đường để phân lô tách thửa, mua bán trái phép đất nông nghiệp, hình thành các dự án bất động sản trái pháp luật. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã phát văn bản chỉ đạo xử lý nhằm chấn chỉnh tình trạng nói trên.
Mặc dù đất đai còn nhiều bất cập, song Lâm Đồng vẫn được đánh giá là địa phương có nhiều dư địa để phát triển và thu hút đầu tư.
Vào tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã đánh giá, so với các tỉnh ở Tây Nguyên, Lâm Đồng có sự khác biệt về tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đó là diện tích lớn, dân số không đông, khí hậu ôn hoà, có nhiều di sản...
Đổi lại, một trong những điểm yếu của Lâm Đồng là còn nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý đất đai, cùng với đó là kết nối vùng và liên vùng chưa tốt. Lâm Đồng phải khắc phục những điểm yếu đó để trở thành động lực tăng trưởng của cả Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu của người viết, thời gian tới diện mạo hạ tầng của Lâm Đồng sẽ có những chuyển biến tích cực với loạt dự án giao thông được triển khai.
Đầu tiên là tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 11/2022 với chiều dài 66 km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 19.520 tỷ đồng. Các dự án này dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023.
Khánh Hoà cũng muốn kết nối trực tiếp với Lâm Đồng. Tháng 12/2022, tỉnh này đã trình chủ trương thực hiện dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tuyến có chiều dài khoảng 57 km, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ quý I/2024, hoàn thành vào năm 2027.
Cũng trong tháng 12/2022, Sở GTVT Đồng Nai đã đề xuất bổ sung thêm hai tuyến giao thông kết nối mới với Lâm Đồng gồm xây dựng mới cầu Đắc Lua 2 và nâng cấp đường Mađaguôi.
Ngoài các dự án trên, năm 2023 Lâm Đồng còn có kế hoạch khởi công nâng cấp, mở rộng đèo Prenn; huy động vốn đầu tư Quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), QL55, QL27C, nâng cấpQL28B; khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt; cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt,..
Nắm bắt được những dư địa dài hạn của Lâm Đồng, bất chấp bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, từ giữa năm ngoái nhiều doanh nghiệp đã lần lượt tìm về địa phương này để đề xuất dự án đầu tư.
Vào tháng 8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã nhận được đề xuất của CTCP Sunrise Tuyền Lâm về việc đăng ký xin đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Sunrise Tuyền Lâm nằm tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Cũng trong tháng 8, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã đề xuất ý tưởng quy hoạch dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD, đón quy hoạch cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Đến tháng 9/2022, Lâm Đồng đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đà Lạt Fairy thuê lại 240 ha đất tại huyện Đức Trọng để thực hiện dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt. Dự án này từng bị thu hồi sau 13 năm chậm triển khai.
Vào tháng 10/2022, có hai doanh nghiệp đã đề xuất làm khu du lịch sinh thái hồ Đạ Tẻh hơn 534 ha tại huyện Đạ Tẻh, là CTCP Dịch vụ Du lịch Minh Nhựt Đạ Tẻh và CTCP Ca Cao Việt Nam.
Đầu tháng 12/2022, CTCP Lizen đã có hai văn bản đề xuất đầu tư dự án Xây dựng trung tâm xã ĐamB’ri và Khu dân cư trung tâm xã Lộc Châu tại TP Bảo Lộc. Khu đất đề xuất dự án khoảng 30 ha, tổng mức đầu tư khoảng 955 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Lâm Đồng tiếp tục nhận được đề xuất của 4 doanh nghiệp.
Ngày 31/1, CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings (TTHs) đã đề xuất quy hoạch hai dự án, gồm Khu nghỉ dưỡng Kala (huyện Di Linh) với quy mô nghiên cứu khoảng 4.000 ha và Khu dân dư Lâm Hà – Dragon Hill Park (huyện Lâm Hà) với quy mô khoảng 11 ha.
Bước sang tháng 2, CTCP Đầu tư Nhà An Bình đã có văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội. Dự án này có quy mô gần 1,8 ha, vốn đầu tư 206 tỷ đồng.
Tại thị trấn Di Linh, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) đã hoàn thiện ý tưởng Quy hoạch dự án Khu đô thị mới, thương mại, dịch vụ và du lịch tổng hợp 228 ha.
Mới đây nhất, CTCP Địa ốc Kim Thi đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội khu quy hoạch 5B – CC5, TP Đà Lạt. Dự án thuộc phường 3 và phường 4 của TP Đà Lạt, tổng diện tích đất gần 2,1 ha, tổng mức đầu tư hơn 418 tỷ đồng.