Đã từ lâu, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là địa chỉ đặc biệt dành cho những học sinh không may mắn mất đi ánh sáng.
Để trở thành một học sinh của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, học sinh cần trải qua một đợt kiểm tra về nhận thức cơ bản, về tiếp xúc đầu ngón tay… để các thầy cô có phương án tiếp cận học sinh một cách tốt nhất. Lứa tuổi học sinh ở đây phổ biến từ 6-13 tuổi, nhưng cũng có khá nhiều học sinh 14-15 tuổi mới có cơ hội đến trường, học cái chữ và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô lần đầu tiên.
Sát cánh bên các em là những thầy cô giáo, những người đã tạm quên đi những lo toan cuộc sống để có thể vừa là giáo viên - người truyền thụ kiến thức, vừa đóng vai cha mẹ của các em.
Ngày Nay xin giới thiệu chùm ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Thanh ghi lại một số khoảnh khắc tại trường Nguyễn Đình Chiểu:
|
Làm bạn với bóng tối, những cô cậu học trò trường Nguyễn Đình Chiểu phải quen với sự cô đơn. Mà bạn bè duy nhất chỉ có chú gấu bông. |
Nhưng các em không cô đơn. Bên các em còn có những thầy cô giáo tận tình dạy dỗ. Điều đầu tiên phải dạy cho các em các cầm bút viết chữ nổi như thế nào cho đúng. Công việc này đòi hỏi người thầy phải kiên trì, có học sinh chậm nhận biết phải mất tới 2 giờ đồng hồ mới cầm được bút. “Nếu các cháu cầm bút đúng thì vừa viết đẹp vừa viết nhanh, nếu cầm sai tư thế chữ sẽ bị nghiêng và điểm thấp”, một giáo viên tâm sự.
|
Không chỉ học văn hóa, học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu còn được tiếp xúc với các môn nghệ thuật, tùy theo sở trường. |
|
Có những "công cụ học tập" mà những người bình thường không thể tưởng tượng ra nổi |
|
Không còn đôi mắt, học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu phải đọc bằng tay. Nếu khó quá, sẽ có sự trợ giúp của thầy. Đôi khi, người thầy chính là đôi mắt của các em. |
|
Những cố gắng vất vả của cả thầy lẫn trò đôi khi chỉ đổi lại một niềm vui nho nhỏ: Cậu học trò mỉm cười khi đọc xong một câu. Nhưng trước đó là rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt của thầy và trò. Biết đọc chữ nổi sẽ mở ra một tương lai nho nhỏ với các em, giúp các em tiếp cận với thế giới xung quanh |