Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji vừa công bố thông tin về tình hình tài chính nửa đầu năm 2020.
Theo đó, Doji cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp gần 45,5 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì năm 2019. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 2,3 lần thời điểm cuối tháng 6/2019 xuống gần 1,8 lần thời điểm cuối tháng 6/2020.
Vốn chủ sở hữu từ 2.258 tỉ đồng cuối tháng 6/2019 tăng lên hơn 3.392 tỉ đồng thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Tổng nợ phải trả của Doji tại cuối tháng 6 khoảng 6.068 tỉ đồng.
Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Doji ở mức 1,3%. So với một doanh nghiệp khác hoạt động cùng ngành là Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) thì sức sinh lời của Doji khá thấp.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của PNJ, mặc dù hàng trang sức chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nhưng PNJ vẫn đạt lợi nhuận sau thuế lên đến 450 tỉ đồng, tỉ suất ROE gần 10%.
PNJ hiện dẫn đầu trên thị trường về số lượng điểm bán với 339 cửa hàng tính đến cuối tháng 6/2020. Tuy nhiên, khoảng cách với Doji cũng đã bị thu hẹp sau khi Doji mua lại hệ thống gần 100 cửa hàng của Thế giới Kim cương hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Thương vụ thâu tóm đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh của Doji sang mảng bán lẻ trang sức, nâng tổng số các trung tâm, cửa hàng của Doji lên con số gần 200.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch hội đồng sáng lập. Ông Phú cũng đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank.
Trước khi mua lại Thế Giới Kim Cương, Doji đã từng thực hiện một số vụ M&A (mua, bán, sáp nhập) lớn. Giai đoạn 2006-2007, ông Đỗ Minh Phú mua cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng, mở đường cho Doji tiến vào thị trường kinh doanh và phân phối vàng miếng.
Năm 2011, ông Đỗ Minh Phú và em trai Đỗ Anh Tú bán 95% cổ phần của Diana cho đối tác Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỉ đồng, trở thành thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm đó.