Đồng loạt kiểm tra 18 kho tại TP HCM nghi chứa hàng lậu

Đây là chuyên án lớn được chỉ đạo từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, kết hợp cùng nhiều đơn vị tại TP HCM để tiến hành kiểm tra hàng loạt kho hàng trữ hàng hoá không rõ nguồn gốc.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa thông tin bước đầu về kết quả kiểm tra 18 kho hàng nghi chứa hàng lậu, hàng cấm tại TP HCM.

Đây được nhận định là vụ việc phức tạp, với khối lượng hàng hóa lớn, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để xác định sai phạm.

Đợt kiểm tra do đoàn liên ngành gồm: Ban Chỉ đạo 389 TP HCM, Cục QLTT TP, Phòng Cảnh sát điều tra điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP) và Công an quận 6 tiến hành tiến hành, bắt đầu từ ngày 4-6 đến nay tại 18 kho hàng hóa tại địa chỉ số 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, TP HCM.

Qua kiểm tra 18 kho hàng (thuộc 12 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có Công ty TNHH Kinh doanh XNK Cường Phan là đơn vị nhập khẩu trực tiếp), đoàn liên ngành nhận thấy khối lượng hàng hóa rất lớn, gồm nhiều chủng loại như dép lông, thú nhồi bông, đồ che mắt, đồ sành sứ các loại (cốc chén, bát đĩa), đồ lưu niệm; các loại máy xay sinh tố, máy sấy tóc...; đồ chơi trẻ em các loại bao gồm cả kiếm nhựa, cung nỏ nhựa, súng nhựa, bình thủy tinh, khay sắt... và những loại bo mạch điện tử của loa kéo, vỏ micro, đèn...

Đồng loạt kiểm tra 18 kho hàng tại TP HCM nghi chứa hàng lậu - Ảnh 1.

Đoàn xác định các dấu hiệu vi phạm ban đầu gồm hàng cấm kinh doanh với 775 sản phẩm (đồ chơi trẻ em bạo lực gồm: súng, gươm…); hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc có 1.538 kg bao bì, 84.495 chiếc, bộ các loại (nhãn mác in tiếng việt để đóng gói sản phẩm xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa không hiệu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng cộng 2.067.338 sản phẩm (đồ gia dụng, ấm, chén, bát, đĩa xuất xứ Trung Quốc);

Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu vi phạm khác như không niêm yết giá theo quy định; kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy đăng ký kinh doanh; hàng hóa lắp ráp, sản xuất thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy mà không thực hiện chứng nhận hợp quy có 356 sản phẩm (loa, linh kiện điện tử xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa trên thùng hàng và trên sản phẩm, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, còn trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu đính kèm hóa đơn giá trị gia tăng có thể hiện xuất xứ Trung Quốc có1.972 sản phẩm (ấm, chén, bát, đĩa, tô, sành sứ của Trung Quốc).

Cũng theo kết quả kiểm tra,18 kho này do Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ kho bãi Minh Tâm (công ty Minh Tâm) thuê của Công ty CP bao bì kho bãi Bình Tây. Sau đó, Công ty Minh Tâm đem cho các đơn vị khác thuê lại để kinh doanh. Tuy nhiên, từ tháng 11-2017, các giao dịch thuê mướn giữa các bên đều không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng.

Từ đó đến nay, công ty Minh Tâm chỉ thanh toán chi phí thuê kho hằng tháng cho Công ty CP bao bì kho bãi Bình Tây hơn 624 triệu đồng/tháng và chi phí tiền điện, nước, nhân viên bảo vệ và sinh hoạt.

Đoàn kiểm tra kết luận việc kinh doanh kho bãi tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí, Phường 7, Quận 6 của công ty Minh Tâm từ 11-2017 đến nay là bất hợp pháp.

Tin-ảnh: L.Giang
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.