Đồng Nai cần 7.000 tỷ đồng đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm

Theo phương án được đề xuất, nguồn vốn để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án giao thông trọng điểm sẽ có hai nguồn gồm nguồn vốn ngân sách và khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường.

Theo báo Đồng Nai, mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án đường tỉnh 770B (đoạn từ giao với đường tỉnh 763 đến quốc lộ 51).

Cụ thể là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 773. Theo quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020, dự án gồm 3 đoạn: đoạn từ quốc lộ 1 đến quốc lộ 56 (mở mới) quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ, lộ giới 60 m; đoạn từ quốc lộ 56 đến đường vành đai 4 quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lộ giới 80 m; đoạn đi trùng với đường vành đai 4 quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lộ giới 80 m.

Sở KH-KT Đồng Nai đề xuất kiến nghị đầu tư: Đoạn từ quốc lộ 1 đến quốc lộ 56 dài 27,3 km thực hiện đầu tư mở mới đường quy mô 4 làn xe; đoạn từ quốc lộ 56 đến đường vành đai 4 dài 13,6 km thực hiện đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe; đoạn đi trùng đường vành đai 4 (tránh sân bay Long Thành) đến giao với đường tỉnh 769 dài 10,5 km thực hiện đầu tư mở rộng từ 2 lên 4 làn xe.

Thứ hai là dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc). Hiện tại, đoạn từ giao với đường tỉnh 766, huyện Xuân Lộc đến xã Bảo Quang, TP Long Khánh dài 16,7 km đã được đầu tư với quy mô rộng 6 m. 

Đoạn từ TP Long Khánh đến giao với đường tỉnh 767, huyện Trảng Bom dài 30,3 km chưa được đầu tư xây dựng. Quy hoạch dự án cũng đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020 với quy mô 8 làn xe, lộ giới 45 m.

Dự án được kiến nghị đầu tư đoạn từ giao với đường tỉnh 767 đến trung tâm hành chính huyện Thống Nhất dài khoảng 22 km theo quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua với lộ giới 45 m.

Thứ ba là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 769. Theo quy hoạch GT-VT đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 792 ngày 17/3/2020, đường tỉnh 769 được quy hoạch có điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, điểm cuối giao với quốc lộ 51, huyện Long Thành. 

Tuyến đường được phân làm 2 đoạn gồm: đoạn từ nút giao ngã tư Dầu Giây đến đường vành đai 4 có chiều dài 15,5 km, quy mô mặt đường rộng 6 làn xe; đoạn từ đường vành đai 4 đến quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 15,3 km, trong đó mở mới 8,4 km và nâng cấp, mở rộng 6,9 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.

Theo đề xuất đầu tư của Sở KH-ĐT, tuyến đường 769 có chiều dài khoảng 30,8 km. Trong đó, đoạn từ nút giao ngã tư Dầu Giây đến đường vành đai 4 có chiều dài 15,5 km với quy mô 6 làn xe cơ giới; đoạn từ đường vành đai 4 đến quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 15,3 km với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.

Cuối cùng là dự án đường tỉnh 770B. Quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020 là tuyến mở mới với quy mô lộ giới 60m, 8 làn xe.

Đề xuất kiến nghị đầu tư theo quy mô, điểm đầu dự án giao với đường tỉnh 763 tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, điểm cuối giao với quốc lộ 51 tại xã Long Phước, huyện Long Thành dài khoảng 53 km với quy mô 4 làn xe.

Đồng Nai cần 7.000 tỷ đồng đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Đồ họa thể hiện tổng mức đầu tư dự kiến của 4 dự án giao thông trọng điểm. (Đồ hoạ: Báo Đồng Nai).

4 dự án giao thông trọng điểm trên lấy sân bay Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay Long Thành. 

Đồng thời, phát triển, hình thành các trục giao thông tạo động lực phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các huyện còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Trong số 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đường tỉnh 770B (từ giao với đường tỉnh 763, huyện Định Quán đến quốc lộ 51, huyện Long Thành) là tuyến đường được mở mới hoàn toàn. 

Đây là tuyến đường mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành.

Trong khi đó, đối với 3 dự án còn lại, khi được đầu tư đồng bộ theo phương án đề xuất sẽ vừa đóng vai trò kết nối giao thông vừa giúp giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh hiện đang trở nên quá tải. 

Cụ thể, dự án đường tỉnh 773 là tuyến đi song song, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho tuyến quốc lộ 1, đồng thời là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ và TP Long Khánh với sân bay Long Thành. 

Tương tự, tuyến đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc) cũng là tuyến đường song song chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho quốc lộ 1 và đóng vai trò kết nối các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất với sân bay Long Thành. 

Riêng dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 sẽ đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các KCN Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn. 

Theo Sở KH-ĐT, tổng vốn đầu tư thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là khoảng 7.100 tỷ đồng, chưa tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo phương án được đề xuất, nguồn vốn để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án giao thông trọng điểm sẽ có hai nguồn gồm nguồn vốn ngân sách và khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường. 

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khá eo hẹp, việc khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường để bán đấu giá được xem là "kênh" quan trọng để tạo vốn, đầu tư các dự án. Chính vì vậy, hiện nay các địa phương có các dự án đi qua đang thực hiện rà soát để điều chỉnh quy hoạch và lên phương án khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường.

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.