Đồng Nai cho Amata thuê 42,65 ha đất làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành

Dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có diện tích khoảng 410 ha, tổng vốn đầu tư trên 282 triệu USD, thuộc hai xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về việc cho CTCP Đô thị Amata Long Thành thuê 42,65 ha đất để sử dụng vào mục đích đất khu công nghiệp thực hiện dự án đầu tư, xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.

Diện tích đất trên đã hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; có 24,61 ha đất chuyên trồng lúa nước.

Cụ thể, đất xây dựng nhà máy là 21,15 ha; đất trung tâm điều hành và dịch vụ 1,85 ha; đất công trình hạ tầng kỹ thuật 4,26 ha; đất cây xanh 3,43 ha; đất mặt nước 1,07 ha; đất giao thông KCN 8,44 ha; đất giao thông 1,95 ha.

Thời hạn thuê đất đến 24/6/2065; theo hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.

Đồng Nai cho Amata thuê 42,65 ha đất làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành - Ảnh 1.

Khu vực này sẽ được triển khai làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành. (Ảnh: K.Minh/Báo Đồng Nai).

Trước đó, vào ngày 17/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và bổ sung dự án này với diện tích 500 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.

Đến tháng 6/2015, tỉnh có quyết định thành lập dự án KCN công nghệ cao Long Thành và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Đô thị Amata Long Thành (thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) tại huyện Long Thành.

Dự án KCN công nghệ cao Long Thành có diện tích khoảng 410 ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành. Đây là dự án KCN công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ cao vào thuê đất, làm nhà máy sản xuất.

Dự án tổng vốn đầu tư trên 282 triệu USD, gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2015 - 2017 và giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2020. Tuy nhiên, do vướng mắc về hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch nên dự án chậm so với tiến độ hơn ba năm.

Hiện dự án đã bồi thường và thu hồi đất được khoảng gần 250 ha (gần 480 hộ dân). Diện tích đất còn lại phải thu hồi có 975 hộ. Hiện huyện Long Thành đang tiến hành làm khu tái định cư tại thị trấn Long Thành để bố trí di dời những hộ dân bị giải tỏa trắng để thực hiện dự án.

Tập đoàn Amata được thành lập năm 1989 và có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan. Doanh nghiệp là nhà phát triển khu công nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Amata chính thức niêm yết trên Sở GDCK Thái Lan từ năm 1997. Đây cũng là tập đoàn niêm yết lớn nhất của Thái Lan trong lĩnh vực bất động khu công nghiệp.

Tập đoàn này tham gia vào thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam từ năm 1994 với khu công nghiệp Amata 700 ha tại Biên Hòa, Đồng Nai. Sau dự án này, Amata xin đầu tư dự án thứ hai là Amata City Long Thành với quy mô 1.265 ha gồm khu công nghệ cao, khu dịch vụ, đại đô thị.

Đây là một trong hai tập đoàn của Thái Lan có nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất, chỉ sau Tập đoàn CP.

Hiện tại, Amata đang triển khai 4 dự án tại huyện Long Thành gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; dự án TP Amata Long Thành; dự án đô thị dịch vụ Long Thành 1 và Long Thành 2.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.