'Dòng tiền đang nằm mai phục chờ bất động sản giảm giá'

Đó là một trong những nhận định đáng chú ý của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đều có dấu hiệu chững lại, dòng tiền đang "nằm mai phục", chờ đợi các tín hiệu để quay lại thị trường. 

Bên cạnh việc chờ các thanh đổi về pháp lý như nghị định sửa đổi Nghị định 153 của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Luật đất đai (sửa đổi), các nhà đầu tư đang chờ giá bất động sản đi xuống. 

"Hiện nay giá bất động sản có yếu tố ảo rất lớn. Có những dự án giá bị đẩy lên quá cao đến mức không thể chấp nhận được", ông Nghĩa cho biết dòng tiền đang chờ đợi giá bất động sản quay trở về thị trường thực. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thời gian tới sẽ không có tiền để trả nợ trái phiếu, dẫn tới buộc phải xử lý tài sản, bán tháo dự án để có tiền thanh toán nợ. Một số nhà phát hành trái phiếu buộc phải thanh lý bất động sản để xử lý nợ. Do vậy, gia bất động sản có thể sẽ xuống nhiều nấc và khi đó, các nhà đầu tư mới tiếp tục xuống tiền.

"Có dự đoán cho thấy giá bất động sản sẽ có thể xuống 30% nữa thì mới đạt được giá trị thực. Ngoài một số sản phẩm giá quá ảo, đa số giá bất động sản cao hơn 30% mức giá trị thực", TS Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng.

Bên cạnh đó, TS Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra tình trạng, dựa vào "cớ" thiếu vốn để hạn chế cung, thổi giá bất động sản lên cao. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm đối với thị trường bất động sản và có thể dẫn đến "bong bóng".

"Thị trường bất động sản có điểm khác với các thị trường còn lại là hai đường cung và cầu có thể không cắt nhau. Riêng với bất động sản, đến một thời điểm nào đó đường cung và cầu có thể không cắt nhau mà nó chạy song song. Khi ấy những người có nhà có đất đều không bán vì chờ đợi giá sẽ cao hơn nữa. Cung đi một đằng, cầu đi một nẻo thế là bong bóng nổ ra", chuyên gia lưu ý.

Cuối cùng TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh vai trò điều tiết của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách để dòng tiền có thể sớm quay lại các thị trường bất động sản. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.