Ồ ạt vốn ngoại đổ về các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam

Trong hai tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản nhà ở liên tục đón dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Đánh giá về tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam, quỹ VOF (Anh) cho rằng thị trường này sẽ đạt tăng trưởng trên 20% trong vòng hai năm tới.

Bên cạnh dòng vốn FDI đổ vào các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, trong vòng hai tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở cũng liên tục đón dòng vốn ngoại thông qua mua cổ phần, trái phiếu. 

 (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Quỹ ngoại liên tục tăng sở hữu tại các doanh nghiệp địa ốc

Ngày 30/6 vừa qua, các thành viên nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua 877.200 cổ phiếu HDG của Hà Đô, tạm tính theo giá đóng cửa ngày giao dịch, nhóm quỹ đã chi gần 50 tỷ đồng cho thương vụ này. 

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital đã tăng từ 7,5907% lên 8,0210% vốn điều lệ Hà Đô. Hiện, số cổ phiếu HDG mà nhóm này đang nắm giữ là hơn 16,3 triệu đơn vị, có giá thị trường tại thời điểm hiện tại vào khoảng 835 tỷ đồng.

Trước giao dịch này, ngày 21/6, nhóm Dragon Capital cũng chi khoảng 30 tỷ đồng để mua cổ phiếu DXG, tăng sở hữu tại Đất Xanh từ 20,9528% lên 21,2356%. Sau giao dịch, số cổ phiếu DXG mà nhóm quỹ sở hữu là hơn 129 triệu đơn vị, tương đương giá trị thị trường hiện vào khoảng hơn 2.600 tỷ đồng.

Ngày 20/6, ba thành viên nhóm quỹ này cũng trở thành cổ đông tại Hưng Thịnh Land (thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh) với tổng tỷ lệ sở hữu là 3,825% vốn điều lệ, tương đương tổng giá trị cổ phần là 358,8 tỷ đồng. 

Bên cạnh Dragon Capital, cùng ngày, một thành viên nhóm quỹ VinaCapital là Vietnam Master Holding 2 Limited cũng trở thành cổ đông tại Hưng Thịnh Land. Tổng giá trị cổ phần của đơn vị này là 115 tỷ đồng, tương đương 1,226% vốn điều lệ.

Trước đó vào tháng 5, một thành viên khác của nhóm quỹ VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) cũng đầu tư 25 triệu USD (khoảng 580 tỷ đồng) để mua cổ phần thiểu số không được tiết lộ của Hưng Thịnh Land. VOF cho biết, thương vụ này sẽ củng cố chiến lược trong trung và dài hạn của quỹ ngoại này.

Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài Hưng Thịnh Land, VOF cho biết cũng đang đầu tư vào Khang Điền (KDH) và Vinhomes (VHM).

Bên cạnh đó, đối với Vinhomes, ngày 1/6,  quỹ đầu tư Government of Singapore (thuộc Quỹ Chính phủ Singapore (GIC)) đã hoàn tất mua 612.000 cổ phiếu VHM, nâng số cổ phiếu đang sở hữu từ hơn 217,6 triệu đơn vị lên hơn 218,2 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,99% lên 5,01% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vinhomes. Theo thị giá hiện tại của VHM, lô cổ phần này của Government of Singapore có giá trị khoảng 13.310 tỷ đồng. 

Dòng vốn nước ngoài đổ vào trái phiếu 

Cuối tháng 5 vừa qua, Novaland đã công bố huy động được 5.774 tỷ đồng thông qua hai lô trái phiếu, đạt 98,28% tổng khối lượng đã đăng ký chào bán. Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 10 năm, trái chủ là hai nhà đầu tư nước ngoài Dallas Vietnam Gamma và Credit Suisse AG Singapore Branch. 

Ngoài nguồn vốn từ hai lô trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoại, Novaland cũng nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. 

Khoản vốn này sẽ được Novaland phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam. Trong giao dịch này, Credit Suisse đóng vai trò là cố vấn tài chính cho Novaland.

Ngoài ra, đối với lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD của Đất Xanh, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, lãnh đạo công ty cũng cho biết, hiện công ty đã chốt xong với đối tác nước ngoài, dự kiến trong quý II - quý III sẽ hoàn tất và tin tưởng rằng thương vụ này sẽ thành công.  

Theo Đất Xanh, một số tổ chức nước ngoài cũng đang mong muốn góp vốn về trái phiếu cũng như hợp tác trực tiếp vào dự án của công ty.

Một doanh nghiệp khác, Nam Long cho biết đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị nhận giải ngân 1.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu từ International Finance Corporation (IFC), thành viên thuộc World Bank. Số tiền thu được sẽ được công ty sử dụng cho giai đoạn 2 của dự án nhà ở Waterpoint tại tỉnh Long An. 

Theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, Nam Long cũng có thể tận dụng lợi thế để huy động vốn nhờ mối quan hệ hiện hữu với các đối tác chiến lược nước ngoài như Keppel Land, Hankyu Hanshin và Nishi Nippon Railroad (NNR) trong bối cảnh kiểm soát dòng vốn vào bất động sản như hiện nay.

NĐT ngoại kỳ vọng tiềm năng dài hạn của thị trường nhà ở Việt Nam

Theo dự báo của quỹ ngoại VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trên 20% trong vòng hai năm tới nhờ môi trường kinh tế vĩ tốt (tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6-7% và môi trường lãi suất tương đối ổn định), sự thúc đẩy đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng của Chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Tại buổi Hội thảo với chủ đề Ngành Bất động sản nhà ở do Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, đại diện VCSC cũng cho rằng, doanh số bán hàng và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết được kỳ vọng sẽ cao hơn mức năm 2021.

Đồng thời, các doanh nghiệp niêm yết cũng có lợi thế tiếp cận nguồn vốn trong dài hạn trong bối cảnh kiểm soát dòng tiền vào BĐS như hiện nay. Trong dài hạn, VCSC cho rằng, ngành bất động sản là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tận dụng chỉ số giá tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. 

Xu hướng đô thị hóa tiếp tục tăng sẽ dẫn dắt nhu cầu ở tại các khu đô thị lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường cho vay mua nhà thế chấp ở Việt Nam hiện có tỷ lệ thâm nhập thấp sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu của người mua nhà. 

Ngoài ra, theo Chứng khoán MBS, thế hệ Gen Z (sinh năm 1995 - 2015) sẽ là nhóm khách hàng chiến lược mới, tạo ra yêu cầu thị trường mới và những chương trình thế chấp mới. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.