Trong số đó, có người rành rẽ các quy định về nhà đất, nhưng cũng có những bà nội trợ, anh nhân viên văn phòng "không biết gì về đất" cũng đi buôn bất động sản.
Nhu cầu lớn đó đã mở ra một cách làm ăn không đàng hoàng của một số doanh nghiệp bất động sản: kinh doanh dự án "ma".
Các dự án được vẽ trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch "treo", đất công, những chiêu thức bán hàng bát nháo như mời khách lên xe đi xem đất ở quận 2 rồi chở ra tận Đồng Nai, Bà Rịa...
Khi lấy tiền của khách thì nhân viên bán hàng chăm sóc vồn vã, về tận phòng ngủ để nhận, nhưng nghĩa vụ với khách hàng thì hoãn... vô thời hạn.
Đội ngũ pháp lý cũng tham gia "móc hầu bao" của khách bằng cách soạn ra những hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng góp vốn, giữ chỗ... với những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho người mua.
Nghe những lời đường mật, khách hàng xuống tiền đặt chỗ, ký hợp đồng mà không hề xem xét tính pháp lý của dự án.
"Bút sa gà chết", nếu khách hàng không tiếp tục trả tiền cho công ty bán đất thì mất cọc, mất tiền đã đóng, nếu tiếp tục trả tiền thì không biết bao giờ mới nhận được đất, có giấy chủ quyền.
Có người mua đất nền vài năm mới nhận được giấy chủ quyền là đất nông nghiệp trong tận một xã vùng sâu ở Long An, Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu. "Đất có giấy rồi nhưng bán không ai mua, xây nhà không được, hổng lẽ tôi... cạp đất mà ăn" là lời than vãn của một bạn đọc.
Trường hợp của công ty địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land... bị dư luận phản ảnh thời gian gần đây tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận chỉ là những ví dụ điển hình.
Thị trường hiện nay còn hàng chục công ty như Alibaba, Angel Lina vẫn hằng tuần đưa các khách hàng nhẹ dạ lên xe đi xem các dự án "bánh vẽ".
Các dự án "ma" ngày càng nhiều, kéo theo danh sách các nạn nhân dài ra theo thời gian và chưa biết khi nào dừng lại, khi các cơ quan chức năng vẫn xem việc mua bán của các bên là quan hệ dân sự.
Đồng ý đây là chuyện thuận mua vừa bán của cá nhân, doanh nghiệp với nhau, nhưng khi có quá nhiều dự án gian dối, nhiều doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng thì chính quyền không thể đứng ngoài.
Gần đây, các địa phương tại TP HCM đã lên tiếng cảnh báo, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, chính quyền các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận cũng cưỡng chế công trình xây dựng sai phép, kiểm tra việc rao bán dự án và có cảnh báo với khách hàng. Những động thái này từ chính quyền là cần nhưng chưa đủ.
Thiết nghĩ chính quyền cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các dự án "ma", để trả lại trật tự cho thị trường dự án đất nền lâu nay vốn bị xem là bát nháo, đồng thời trả lại công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Với những hành vi xây công trình trái phép trên đất để tạo niềm tin cho khách hàng, hứa thay đổi quy hoạch, bán đất không có thật, không có pháp lý sử dụng đất của các chủ đầu tư..., các cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố vụ án, xử lý hình sự một số cá nhân chủ mưu, cầm đầu. Có như vậy mới mong "vết dầu loang" dự án "ma" không tiếp tục rộng ra.