Từ những năm 4000 trước công nguyên đến thế kỷ 18, những người đàn ông đã bắt đầu trang điểm bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, đến những năm 1800 việc này lại bị bãi bỏ do ảnh hưởng của Nữ hoàng Anh Victoria I.
Bà cho rằng, mỹ phẩm là những thứ thô tục. Trong khoảng thời gian này, trang điểm được xem như là một việc làm ghê tởm và đáng ghét. Những quan điểm tôn giáo cũng thu hẹp lại định nghĩa về sự nam tính. Vậy nên đến thế kỷ 20, trang điểm được xem như là việc chỉ dành cho các cô gái. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi.
Sự cởi mở của xã hội hiện đại cho phép con người, dù ở giới tính nào, cũng có quyền được sống đúng với nhu cầu và khát vọng của mình. Các sản phẩm chăm sóc da, tóc, cơ thể và makeup dành riêng cho nam giới được rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm cho ra đời. Và đây là lúc chúng ta cùng nhìn lại các mốc thời gian đáng nhớ về lịch sử trang điểm của phái mạnh.
1. Thời Ai Cập cổ đại
Sự nam tính là một điều rất quan trọng trong văn hóa của những người Ai Cập cổ đại, và trang điểm đóng một vai trò lớn để làm nên điều đó. 4000 năm trước công nguyên, những người đàn ông Ai Cập đã biết sử dụng than đen để kẻ mắt nhằm tạo ra những đôi mắt mèo cầu kỳ. Một vài thiên niên kỷ sau, phấn mắt màu xanh lá cây, son môi và phấn má làm từ đất đỏ cũng đã trở nên phổ biến rộng rãi. Người ta tin rằng, màu xanh lá cây không chỉ giúp đôi mắt trở nên thu hút hơn mà còn gợi lên hình ảnh của những vị thần.
2. Thời Rome cổ đại
Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, những người La Mã đã biết cách làm ửng đỏ đôi gò má của mình. Họ cũng dùng bột làm phấn giúp da sáng hơn và sơn móng tay bằng hỗn hợp chế từ mỡ lợn và… máu.
3. Thời kỳ Anh Elizabeth I
Dưới thời đại của nữ hoàng Anh Elizabeth I, việc trang điểm trở nên cực kỳ phổ biến với nam giới. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về mặt khoa học kỹ thuật nên các sản phẩm trang điểm ở thời điểm này chứa một lượng lớn chì, tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho người sử dụng.
4. Thế kỷ 18 tại Pháp
Việc nhà vua nước Pháp Louis XVI có một sự quan tâm mãnh liệt với các sản phẩm trang điểm và làm tóc không có gì là điều bí mật đối với mọi người lúc bấy giờ. Những quý ông trong hoàng tộc cũng sử dụng các sản phẩm làm đẹp. Đây cũng là khoảng thời gian mà giày cao gót và găng tay da dành cho đàn ông trở nên phổ biến.
5. Hollywood những năm 1930
Do ảnh hưởng từ nữ hoàng Anh Victoria I mà phải mất một thời gian dài việc trang điểm dành cho nam giới mới được nhắc đến lại lần nữa. Phim ảnh đã mang hình ảnh các quý ông trang điểm quay trở lại.
6. Thập niên 1970-1980
Đến cuối thế kỷ 20 thì việc trang điểm dành cho nam giới vẫn chưa được chính thức chấp nhận. Lúc bấy giờ, nó là việc chỉ dành cho các nghệ sỹ như Steven Tyler, David Bowie hay Prince…
7. Đầu những năm 2000
Nền văn hóa nhạc Pop của người Mỹ đã mang đến một cái nhìn và khái niệm mới về những chàng trai kẻ viền mắt. Các nghệ sỹ như Pete Wentz, Jared Leto, và Adam Lambert giúp cho hình ảnh này trở nên phổ biến hơn với công chúng. Khái niệm “metrosexuality” - chỉ những người đàn ông rất chăm chút đến ngoại hình của mình đã thâm nhập vào các nền văn hóa. Các thương hiệu làm đẹp cũng bắt đầu chú trọng nhiều đến việc đưa ra các sản phẩm làm đẹp dành riêng cho nam giới.
David Beckham là một trong những người đàn ông đầu tiên đại diện cho khái niệm metrosexuality |
8. Ngày nay
Trong thời điểm hiện tại, những chàng trai quan tâm đến ngoại hình không chỉ dừng lại ở việc trang điểm. Họ còn trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực làm đẹp. Điều này gần như phá vỡ khuôn mẫu về việc quan niệm làm đẹp chỉ dành cho phụ nữ. Covergirl hay Maybelline gần đây đều công bố những gương mặt đại diện là nam giới đầu tiên của thương hiệu mình. Và có lẽ, trong 50 năm tới, công cuộc trang điểm của các đấng mày râu sẽ còn rất nhiều thay đổi mà chúng ta khó có thể tiên đoán được.