Nhập cảnh khi du lịch tới bất kì quốc gia nào tưởng chừng là điều rất đơn giản khi du lịch đã có sẵn đầy đủ hộ chiếu, visa… nhưng thực tế chưa dừng lại ở đấy khi mỗi quốc gia đều có những quy tắc về việc mang gì vào đất nước họ. Du khách có thể bị từ chối nhập cảnh hoặc phải đối mặt với mức phạt hành chính khá nặng nếu vô tình đưa những mặt hàng trong "danh sách đen" vào nước bạn.
Vậy nên, việc chuẩn bị thông tin cần thiết và "bỏ túi" những điều cấm kị trước khi du lịch tại bất kì điểm đến này sẽ giúp bạn giảm thiểu những tổn hại về tài chính và rủi ro có thể mắc phải.
Với mục đích bảo vệ không gian sống sạch và hướng tới hình ảnh quốc gia thân thiện với môi trường, Singapore đã "khai tử" kẹo cao su và đưa vào danh sách những hàng hoá cấm bày bán hay vận chuyển vào quốc gia này.
Vì thế, nếu vô tình phạt hiệu một viên kẹo trong hành lí, du khách sẽ bị phạt hành chính ngay tại sân bay.
Phạt hành chính ngay 1000 USD nếu phát hiện du khách nhai kẹo cao su ngoài đường. (Ảnh: Singapore News)
Nếu bắt gặp đang nhai kẹo cao su trên đường phố, khách du lịch sẽ bị phạt ngay 1.000 USD trực tiếp, hoặc phải đối diện mức phạt 10.000 USD nếu buôn bán, vận chuyển "hàng cấm" số lượng lớn.
Ngoài ra, bạn có thể phải lao động công ích 10 - 12 tiếng nếu có hành động chống lại yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một số hàng hoá cũng liệt vào danh sách "đen" tại quầy kiểm tra hành lí khi nhập cảnh mà du khách cần phải chú ý, như: thuốc lá điện tử, các loại thuốc không có mục đích trị bệnh, pháo nổ, pháo hoa…
Đặc biệt, các sản phẩm liên quan tới môi trường hoang dã như trứng, lông thú, da thú hay sản phẩm làm từ chất liệu này cũng đều bị từ chối đưa vào Đảo quốc Sư tử.
Theo quy định của quốc gia Singapore, bất cứ ai nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm thịt, trứng... từ các nguồn không được chấp thuận có thể bị phạt tới 50.000 USD và bị bỏ tù 2 năm. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 100.000 USD và có thể ngồi tù 3 năm.
Một người phụ nữ Việt Nam từng phải đóng phạt 150 triệu vì mang 490 quả trứng vịt lộn vào Singapore. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tháng 10/2018, một người phụ nữ Việt Nam đã mang 490 quả trứng vịt lộn được bọc kĩ cẩn thận để đưa vào Singapore. Kết quả, người đó đã bị phạt 7.000 USD (tương đương hơn 150 triệu đồng).
Hàn Quốc là quốc gia khá dễ dãi trong khu vực châu Á trong việc vận chuyển hàng hoá theo dạng sản phẩm thiết yếu của khách du lịch vào quốc gia. Tuy nhiên, không hẳn tất cả loại nào cũng đều "qua cửa" dễ dàng.
Với các mặt hàng về nông sản, Cơ quan nhập cảnh tại Hàn Quốc sẽ yêu cầu du khách bỏ ngay tại sân bay như các loại trái cây tươi: xoài, cam, đu đủ, các loại rau củ tươi… Một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tươi...cũng nằm trong danh sách cấm này.
Những vật phẩm cấm mang tại Hàn Quốc. (Ảnh: Vietnam Airline)
Ngoài ra, du khách không được mang bất kì cây cỏ nào từ nơi khác vào Hàn Quốc mà không có giấy chứng nhận quốc gia, nơi mà bạn mua nó, ngay cả hạt giống, cỏ khô cũng không hợp lệ.
Nếu là người hút thuốc lá, bạn chỉ có thể mang theo tối đa 200 điếu thuốc, 50 điếu xì gà, 250 gram các sản phẩm thuốc lá.
So với Hàn Quốc, Nhật Bản dường như rất khó khăn trong việc vận chuyển bất kì loại thực phẩm, trái cây, hàng hoá mà không có nguồn gốc rõ ràng hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng tới quốc gia này.
Vì thế, đừng "choáng" nếu bạn thấy một danh sách dài những loại hàng hoá cần phải bỏ ra khỏi vali ngay trong quá trình chuẩn bị du lịch tại Nhật.
Kể từ ngày 1/5/2016, du khách tuyệt đối không được mang sang Nhật bất cứ chất lỏng gì ngoài các chất: Thuốc chữa bệnh (phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của bác sĩ và hành khách); sữa, đồ ăn cho trẻ sơ sinh (có trẻ sơ sinh cùng đi); các loại đồ uống, rượu, nước hoa, mĩ phẩm…mua tại các cửa hàng trong sân bay.
Tất cả các chất lỏng mang theo phải được đựng trong những bình thuỷ tinh, đóng chặt, kín; những bình này phải đặt trong một túi nhựa trong suốt, mỗi người chỉ được mang theo 1 túi nhỏ. (Ảnh: CNN)
Tại sân bay Nhật Bản có sẵn một danh sách hướng dẫn những loại trái cây, rau củ quả bị cấm mang vào nước này. (Ảnh tổng hợp)
Các thực phẩm tươi sống bị cấm hoàn toàn khi mang vào Nhật, như thịt gia cầm, thịt gia súc, các loại thực phẩm từ thịt đã qua chế biến: xúc xích, giò, chả, nem, lạp xưởng, trứng, sữa (không dành cho trẻ em), bánh chưng, bánh giò…
Ngoài ra, danh sách những trái cây cấm được đưa vào cũng rất dài với những cái tên sau: xoài, măng cụt, mít, thanh long, mãng cầu, hồng, nhãn, vải, ổi, bòn bon, bưởi, cam, mận, đu đủ, doi, hồng xiêm, vú sữa, bơ, táo, khế, đào, sơ ri, dưa, chôm chôm, táo ta, chậu hoa tỉa cảnh hoặc cả chậu hoa có đất, ....
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2019 để bảo vệ ngành nông nghiệp nước nhà khỏi dịch bệnh và tránh mua bán bất hợp pháp, Nhật Bản đã cấm tất cả các loại thực phẩm, thức ăn, rau củ nhập cảnh vào Nhật nếu chưa được kiểm dịch
Cần cẩn trọng trong việc mang trái cây vào Nhật nếu không muốn bị phạt. (Ảnh: Tugo)
Nếu không chấp hành đúng quy định, du khách sẽ phải nộp phạt: 1 triệu yên (tương đương 200 triệu đồng), không đóng phạt sẽ buộc trả về nước. Nếu ở mức độ cao hơn sẽ bị phạt từ cao nhất 3 tháng, cấm nhập cảnh vĩnh viễn tại Nhật.
Danh mục các sản phẩm cấm nhập cảnh vào Australia rất dài. Các sản phẩm làm từ trứng và sữa dù đã được nấu chín, sấy khô hay ở dạng bột, dù tươi hay khô đều không được phép mang vào Australia.
Tất cả các sản phẩm thịt tươi, khô, đông lạnh, đã nấu chín, thực phẩm ăn liền, kể cả các loại mì và súp có chứa thịt vụn bị cấm mang vào Australia. Vật liệu thảo mộc, hạt giống rau quả... đều bị cấm.
Bánh trung thu, xúc xích thịt heo, các loại thức ăn cho động vật kể cả đồ sống hoặc đồ hộp, thảo dược từ nhung nai, gạc nai, gân rùa, phấn hoa của loài ong...cũng bị từ chối mang vào quốc gia này.
Đặc biệt, các sản phẩm làm từ lông thú, lông chim hoặc vật dụng trên người như quần áo hay mũ nón gắn lông chim bạn tuyệt đối nên tránh để trong hành lí.
Những sản phẩm muốn nhập cảnh vào Úc đề phải ghi rõ đầy đủ, chi tiết trong phiếu nhập cảnh (Incoming Passenger Card) để khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm: các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn.
Và theo quy định, nếu không kê khai hoặc kê khai sai trên phiếu, khách có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420 nghìn AUD (khoảng 7 tỉ đồng).
Đài Loan hay Trung Quốc là những nước đang hướng tới việc bảo vệ sức khoẻ của người dân nên bất kì hàng hoá của khách du lịch có dấu hiệu ảnh hưởng tới vấn đề này đều sẽ bị từ chối ngay khi rà soát tại cửa an ninh.
Đặc biệt đối với việc du khách nhập cảnh ở Đài Loan, Trung Quốc có mang theo các loại thực phẩm tươi, thịt sống hay đã chế biến từ những nước có dấu hiệu dịch bệnh càng được kiểm tra gắt gao, kĩ lưỡng.
Thậm chí những loại thịt đông lạnh, khô, dù có đóng gói chân không đều cũng không được phép mang vào.
Từ ngày 14-12 vi phạm quy định mang thịt gia cầm, gia súc vào Đài Loan sẽ bị xử phạt 1 triệu Đài tệ. (Ảnh: Taiwan International)
Theo quy định của chính phủ, nếu du khách cố ý nhập trái phép "hàng cấm" này vào Đài Loan thì phải chịu mức án phí 50.000 Đài tệ (gần 38 triệu đồng) đến 200.000 Đài tệ (hơn 150 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên. Tiền phạt với những người vi phạm từ hai lần trở lên tăng từ 500.000 Đài tệ (378 triệu đồng) lên một triệu Đài tệ (756 triệu đồng).
Nếu chọn Dubai là địa điểm du lịch thì bạn cần cân nhắc kĩ về đồ vật nào nên mang đến quốc gia này, bởi thực tế có những loại nhu yếu phẩm cá nhân tưởng vô hại sẽ khiến bạn lao đao khi mang vào quốc gia.
Chẳng hạn ở Dubai, các loại thuốc an thần hoặc thuốc gây mê, kể cả loại chống đau nhức đều bị cấm sử dụng.
Dù hải quan chỉ tìm thấy một viên thuốc trong hành lí cũng có thể lãnh tới 4 năm tù. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, bạn nên mang theo giấy tờ có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, có công chứng.
Khách du lịch tới Dubai sẽ đối diện mức phạt tiền rất cao, có thể ngồi tù hoặc trục xuất về nước nếu phát hiện mang thuốc vào đất nước này. (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, Dubai và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cấm các loại đồ uống có cồn, thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn. Các thiết bị truyền phát không dây và sản phẩm làm từ ngà voi, da động vật cũng nằm trong "danh sách đen" bị tịch thu ngay tại hải quan nếu phát hiện.