Trong tiếng Mông, bánh dày còn được biết đến với cái tên “Pé - Plẩu”. Đây là món ăn có từ lâu đời trong những dịp lễ Tết, hội hè của đồng bào dân tộc Mông ở khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung, son sắt của những cặp trai gái người Mông thì hình dáng tròn đầy, căng mịn của bánh dày còn khiến người ta liên tưởng đến mặt trăng và mặt trời, hay nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất này.
Theo phong tục truyền thống, người Mông thường sử dụng bánh dày để thờ cúng tổ tiên trong những ngày lễ Tết. Ngoài ra, món ăn này còn được chủ nhà đãi khách hay làm quà biếu tặng khi có người đến chơi nhà.
Du khách ghé thăm vùng đất Tây Bắc, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng thì còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều món đặc sản thơm ngon, ấn tượng của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Dao mà tiêu biểu là món bánh dày truyền thống tại Sơn La.
Để làm ra được những chiếc bánh dẻo mềm, thơm ngon thì gạo được chọn để làm bánh phải là loại nếp nương thơm dẻo, không bị pha tạp. Gạo sau khi chọn xong sẽ được mang ra phơi để khi xay xát, hạt gạo không bị gãy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon, mềm dẻo đặc trưng của bánh dày truyền thống.
Trong khi đồ gạo, người ta thường đun nhỏ lửa để xôi được chín kĩ và đều. Tiếp đó, xôi được cho ra cối để giã khi vẫn còn đang nóng. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng để làm ra được những chiếc bánh dày Sơn La dẻo mềm, đạt chất lượng. Thông thường thì xôi nếp sẽ được đổ vào những chiếc cối to với kích thước bằng nửa thân cây gỗ. Xôi giã càng kĩ thì bánh càng dẻo ngon và để được lâu hơn. Sau khi giã xong, những người phụ nữ Mông với đôi tay khéo léo sẽ nặn bánh thành những miếng tròn dẹt với kích thước đều tăm tắp.
Theo phong tục truyền thống, người ta thường gói bánh dày trong những tàu lá rong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch, lau khô, sau đó hơ qua lửa để phần lá thêm dày dặn, khó rách trong quá trình vận chuyển. Bánh dày đạt chất lượng khi có độ mềm dẻo, vừa tay cùng mùi thơm đặc trưng của gạo nếp nương và hương gỗ thoang thoảng.
Khách du lịch khi đến Sơn La có thể thưởng thức món bánh dày theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người thường ăn bánh vẫn còn nóng, khi mới giã những mẻ đầu tiên. Có người lại thích thưởng thức hương vị món ăn này khi bánh đã nguội, kẹp thêm cùng với giò hay chả. Với người Mông, họ thường đem bánh dày rán cùng mỡ lợn cho phồng lên hay nướng trên bếp lửa rồi chấm cùng mật ong rừng mới chuẩn vị.
Đồng bào dân tộc Mông thường có tục làm bánh dày trong ngày Tết cổ truyền, tức là vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Nếu có dịp ghé thăm Sơn La những ngày này, du khách sẽ có cơ hội tham gia, trải nghiệm rất nhiều hoạt động thú vị của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc.
Đến với Sơn La, du khách có thể thưởng thức hương vị đặc sản bánh dày thơm ngon, cuốn hút lừng danh tại một trong những địa chỉ sau:
Bánh dày Hiển Trinh, địa chỉ: Tiểu khu Quyết Thắng, Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La
Bánh dày xã Hồng Ngài, huyện Bắc Sơn, Sơn La
Các khu chợ của người Mông tại Mộc Châu, Sơn La
Bên cạnh đó, vào những dịp đặc biệt như ngày Tết độc lập 2/9, người Mông thường tổ chức cuộc thi giã bánh dày với đông đảo người dân tụ họp, vui chơi. Nếu muốn chiêm ngưỡng tận mắt qui trình làm ra những chiếc bánh dày lừng danh của người Mông, du khách có thể đến Sơn La để thăm thú cũng như trải nghiệm thêm nét văn hóa đặc sắc tại nơi đây.