Đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trong năm 2020

Đắk Lắk kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT sớm đưa vào quy hoạch và xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Ngày 21/12, tại UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ GTVT với tỉnh Đắk Lắk.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ GTVT với tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị với Bộ trưởng quan tâm, hỗ trợ và có ý kiến đến Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn lực, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phá bỏ điểm nghẽn về giao thông nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Đắk Lắk.

Trong đó, Đắk Lắk kiến nghị sớm đưa vào quy hoạch và xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; Nâng cấp cảng hàng không (CHK) Buôn Ma Thuột lên CHK quốc tế để thu hút phát triển du lịch; Mở tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (Phú Yên) nhằm đa dạng các loại hình vận tải...

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ

Báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay hạ tầng giao thông của địa phương đang gặp khó khăn, phương thức vận tải chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu tập trung đường bộ, chưa có đường sắt, thủy nội địa chưa khai thác, đường hàng không đảm bảo vận chuyển 5%, chưa có tuyến bay quốc tế.

Đắk Lắk có 7 tuyến quốc lộ với 763,37km, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Miền trung, nhưng hiện nay chỉ có đường Hồ Chí Minh được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, các tuyến quốc lộ còn lại (QL26,27,29,14C,19C) đang bị xuống cấp trầm trọng, quy mô chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa đồng bộ.

Theo ông Cảnh, Đắk Lắk là tỉnh nghèo, ngân sách nhà nước còn hạn chế. Hệ thống đường bộ chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô còn thấp, hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, chưa có tuyến đường cao tốc kết nối với Trung tâm kinh tế, du lịch lớn, chưa có đường sắt, đường thủy nội địa còn hạn chế, chưa được đầu tư, CHK Buôn Ma Thuột chỉ mới kết nối một số tỉnh, thành phố trong nước, chưa có tuyến bay quốc tế, chưa kêu gọi được nhà đầu tư cảng cạn.

Kinh phí hàng năm để bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu thực tế, trong khi đó, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn chủ yếu được đầu tư bằng mặt đường đá dăm láng nhựa. Hiện đang bị xuống cấp trầm trọng. Vì vậy việc lưu thông trên nhiều tuyến đường gặp nhiều khó khăn và nguy cơ mất ATGT, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trong năm 2020 - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT sớm đưa vào quy hoạch đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Đắk Lắk mong sớm triển khai cao tốc “nối rừng với biển”

Kiến nghị với Bộ GTVT, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk mong muốn: “Mong Bộ trưởng quan tâm bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Nha Trang (Khánh Hòa) vào quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030. Không có đường cao tốc, Đắk Lắk rất bí, khó phát triển.

Theo khảo sát sơ bộ, Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột đi Nha Trang với tổng chiều dài 105 dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng (4 làn xe). Nếu xây dựng được tuyến đường này sẽ giải quyết vấn đề GTVT, phục vụ du lịch, giao thương hàng hóa, vấn đề an ninh quốc phòng”.

“Tỉnh mong muốn, kêu gọi nhà đầu tư, tính toán đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước hỗ trợ tiền giải phóng đền bù, còn lại đổi các khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị lấy tiền đầu tư, và số còn lại thì thu phí để hoàn vốn. Rất mong Bộ quan tâm, cho quy hoạch làm sao sớm nhất. Một mặt địa phương tìm nhà đầu tư, nghiên cứu luôn phương án khi có quy hoạch thì triển khai ngay”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

“Mong Bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa, với chiều dài 94/169km, dự kiến tổng mức đầu tư 6.500 tỷ, để giảm áp lực cho đường bộ. Về đường hàng không, hiện nay nhu cầu khách từ các tỉnh Tây Nguyên đi quốc tế khá nhiều, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, kinh tế, kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột thành CHK Quốc tế. Cho phép mở một số tuyến như Buôn Ma Thuột - Phú Quốc; Buôn Ma Thuột - Cần Thơ; Buôn Ma Thuột - Quảng Ninh”, Bí thư tỉnh Đắk Lắk kiến nghị thêm.

Ngoài ra, Đắk Lắk kiến nghị với Bộ GTVT, giới thiệu nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư hạ tầng kĩ thuật cảng cạn tại khu vực nút giao đường tránh thị xã Buôn Hồ với QL29 theo hình thức xã hội hóa hoặc PPP. Về đầu tư phát triển hạ tầng vận tải giao thông đề nghị Bộ GTVT quan tâm hỗ trợ đầu tư các dự án: Cải tạo nâng cấp QL14C (gia đoạn 2) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk; Cải tạo nâng cấp Ql29; Cải tạo nâng cấp QL27.

Bộ GTVT đồng ý chủ trương

Đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trong năm 2020 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải trình của thành viên Đoàn công tác và kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ GTVT đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của địa phương. Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của địa phương về quy hoạch đường cao tốc từ Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Giao cho Tổng cục Đường bộ, Bộ kế hoạch Đầu tư cùng với địa phương làm rõ vai trò, tầm quan trọng, hướng tuyến như thế nào để đưa dự án vào quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt.

“Hiện nay, nhu cầu thì rất lớn nhưng ngân sách rất khó khăn. Nếu Đắk Lắk tâm huyết, muốn sớm thực hiện đường cao tốc. Tôi đề nghị Đắk Lắk nghiên cứu chi ngân sách tỉnh để làm công tác nghiên cứu, nhanh chóng bổ sung dự án vào quy hoạch. Có thể thuê Ban QLDA Hồ Chí Minh nghiên cứu chi tiết, sau đó báo cáo tỉnh, báo cáo Bộ về quy hoạch đường cao tốc.

Nghiên cứu kĩ địa hình, địa chất, độ dốc về tính khả thi thực hiện dự án. Trong vòng 5, 6 tháng để làm sao đến tháng 7/2020 gửi Bộ để Bộ trình Chính phủ phê duyệt. Được Chính phủ phê duyệt thì lúc đó mới đủ điều kiện làm. Hiện nay chưa quy hoạch thì chưa thể làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, đối với kiến nghị về tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (Phú Yên). Tuyến đường này đã có trong quy hoạch, nếu tỉnh có nhà đầu tư, có vốn có thể triển khai tuyến đường này. Tuy nhiên, hiện nay các dự án trên 10.000 tỷ phải báo cáo với Quốc hội. Trong khi đó, tuyến đường sắt này có nguồn vốn lớn, muốn làm phải trình qua Quốc hội nên các bước rất khó khăn. Vì vậy, để thuận lợi, Bộ GTVT đề nghị tỉnh kết hợp với các nhà đầu tư lớn, có làm ăn ở Đắk Lắk để kêu gọi đầu tư.

“Đắk Lắk có điều kiện khí hậu tốt, nông sản sạch cần kêu gọi đầu tư kết nối với thế mạnh của địa phương. Sau khi có nhà đầu tư, có phương án thì trình Quốc hộ sẽ thuận lợi. Bộ sẽ hỗ trợ lập dự án đề xuất lên Chính phủ, Quốc hộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

“Đề nghị Cục trưởng Cục hàng không nghiên cứu với đề nghị nâng cấp CHK Buôn Ma Thuột lên CHK quốc tế. Bộ thấy đề nghị của tỉnh rất cần thiết. Bởi vì, trong quá trình khai thác, mình không lường trước việc máy móc hư hỏng. Nếu phải hạ cánh khẩn cấp xuống khu vực Tây Nguyên thì hạ cánh xuống đâu. Hơn nữa, hiện nay các hãng đưa vào khai thác các tàu bay lớn rất nhiều. Phía Nam có, phía Bắc có những sân bay hiện đại, sẵn sàng phục vụ cứu nguy cho các tàu bay gặp sự cố. Trong khi đó ở khu vực này chưa có. Đề nghị Cục HK nghiên cứu khu vực này phải có 1,2 sân bay an toàn. Có thể chọn sân bay Buôn Ma Thuột tạo điều kiện xem xét nâng cấp”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, để xây dựng được CHK quốc tế Buôn Ma Thuột, trước hết cần kết nối Đắk Lắk với Phú Quốc, để du khách quốc tế lên Tây Nguyên hoặc kết nối Cần Thơ lên Buôn Ma Thuột và ngược lại. Đề nghị hàng không nghiên cứu một số tuyến. Bộ GTVT chỉ định hướng, Đắk Lắk nên vận động các hãng bay, có ưu đãi về chính sách để lôi kéo các hãng mở đường bay đi/đến.

Nếu Đắk Lắk chú trọng cạnh tranh công nghiệp với các nơi khác thì rất khó. Đắk Lắk nên phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sẽ rất tốt. Không có điểm du lịch thì du khách đến đây làm gì. Chính vì phát triển du lịch thì hàng không mới phát triển. Làm được như vậy thì Đắk Lắk mới mở được các chuyến bay quốc tế”, Bộ trưởng Thể chia sẻ.

Đối với các kiến nghị khác, Bộ GTVT thống nhất nhưng yêu cầu địa phương phải nghiên cứu kĩ, lựa chọn phương án phù hợp. Bộ sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để Đắk Lắk phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.