20/ |
Tác giả Hoàng Trường Giang (Giang mèo) một nhà báo được cộng đồng mạng biết tới với nhiều chương trình từ thiện xã hội dành cho trẻ em vùng cao. |
Ngay quê anh vùng đồng bằng mà thi thoảng người chết ở trạm xá, bệnh viện huyện có khi người thân vẫn buộc võng khiêng về, cũng không phải điều gì quá ghê gớm. Bi kịch ở đây là truyền thông và dư luận khi không hiểu rõ bản chất sự việc, không biết điều kiện giao thông, tập quán tâm linh của đồng bào... mà đã phán xét một cách tiêu cực.
Bản nghèo góc núi Quỳnh Nhai rúng động không phải vì một người phụ nữ chết mà vì những thông tin dồn dập sau cái chết của người đàn bà khốn khổ. Ai đó còn lấy tấm ảnh người chết buộc sau xe máy chế thành hình tượng đài của tỉnh Sơn La để chế nhạo, chửi bới lãnh đạo, chính quyền. Rồi người ta like, còm, share toán loạn cả lên. Tôi cũng buồn như anh bạn vong niên, khi thấy trong đó niềm thương cảm thật ít, sự hả hê hằn học thì nhiều. Họ mượn cái chết của người đàn bà ấy để thỏa mãn cơn cuồng nộ muốn được xỉ vả, rủa xả những ấm ức cá nhân mà bấy lâu chưa có cớ gì thực hiện thật hợp lý. Và may quá, câu chuyện người chết buộc xe trở thành mở bài hấp dẫn cho một trường ca phán xét của các anh hùng bàn phím, của những người luôn nhìn xã hội bằng cặp kính màu đen.
Tôi sinh ra, lớn lên ở một tỉnh vùng cao biên giới xa xôi. Trước đây và cho đến tận bây giờ việc nhìn thấy người Thái bó thi thể sau yên xe đạp, người Mông, người Dao buộc người chết khiêng võng, chằng lưng ngựa đưa về cũng không phải hiếm. Một phần do điều kiện, phần do phong tục, phần vì đường xá đèo dốc, sông suối xe cộ không đi được. Có dân tộc để xác nằm "lộ thiên" trong nhà cả tuần, chính quyền, bộ đội phải vận động, ép buộc mới đem đi chôn.
Bức ảnh rúng động mạng xã hội, chở thi thể bằng xe máy vì không có 5 triệu đồng thuê ô tô |
Trong cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam của nhà dân tộc học Cầm Trọng in năm 1978 nói rằng, người Thái quan niệm trái đất tồn tại hai thế giới, sự sống và hư vô. Thế giới hư vô cũng là một “cõi sống” ngự trị trong ý niệm mà tiếng Thái gọi là “phi”. Linh hồn (phi khuôn) tồn tại trong thể xác còn sống. Sự sống (khớ) rất mỏng manh, dễ mất đi, không cứu vãn được. Và cái chết là vĩnh cửu không còn để người ta cảm giác nữa. Một cơn gió thổi mạnh, cây chuối, cây mía dễ đổ, ngọn nến dễ tắt và sợi bông trắng kia có lẽ cũng đứt. Hồn người mỏng manh lắm, khi gặp hoạn nạn, ốm đau, hiểm nghèo nó dễ tan biến, thể xác dù cường tráng đến đâu cũng đổ sụp. Khi một thành viên trong nhà chết, linh hồn biến thành “phi” vĩnh cửu. Người Thái có bài ca nói về vùng cõi sau cái chết thế này:
… “Lúa hết, lúa tự đến
Cá hết cá tự lại
Hạt thóc to bằng quả bí ngô
Hạt thóc dùng rìu chém
Ngọn ra bằng cây cổ thụ
Ngọn rau dùng rìu chặt
Người ăn một bữa đủ sống 20 ngày
Ăn một ngày sống đén 40-50 ngày sau
Người trẻ cứ trẻ mãi
Người già sống mãi không biết chết
Người đi không trở lại
Ngày nào cũng như mới
Nhà nào cũng có con rể nằm bên gian đầu hồi
Có nàng dâu trẻ dệt cửi đầy bên sàn
Trẻ thừa ăn thừa mặc
Mặt mũi khôi ngô
Đụng vào đâu cũng ra bạc
Mó vào đâu cũng ra vàng…”.
Như vậy có thể thấy, một phần quan niệm về cái chết và thế giới sau cái chết của người Thái khá nhẹ nhàng và tất yếu. Tuy nhiên trong một xã hội hiện đại, dù dưới góc độ điều kiện kinh tế hay tâm linh thì việc vận chuyển thi thể người chết theo hình thức thô sơ chằng buộc là điều cần thay đổi. Hành động đó không chỉ gây phản cảm, ảnh hưởng tới tâm lý cộng đồng mà có thể còn là nguy cơ gây truyền nhiễm bệnh dịch. Việc đó phải thay đổi từ gia đình, dòng họ, làng bản đến chính quyền.
Và chúng ta nữa, cộng đồng mạng quyền uy, cũng đừng chỉ phán xét trên bàn phím, hãy dùng ngón tay của mình viết lên những phương cách để thay đổi thực trạng xót lòng trên. Như anh Võ Xuân Sơn đang bắt tay vào chiến dịch “xe cấp cứu cho bệnh nhân nghèo”, quyên góp mua xe cấp cứu giao cho tổ công tác xã hội của bệnh viện Lao, phổi Sơn La, nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân nghèo phải “bó chiếu” chở bằng xe máy về nhà.
Đừng chỉ đau xót trên bàn phím…