Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm khai thác thương mại. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 12/9, Thường trực Chính phủ đã họp về các dự án giao thông vận tải (GTVT). Trong đó, Thường trực Chính phủ có thảo luận một số vấn đề trong lĩnh vực hàng không, cao tốc, đường sắt đô thị…
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều dự án của ngành giao thông còn bất cập, tồn tại.
"Ngành GTVT phải tổ chức công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật qui định. Đơn vị nào không hoàn thành cần xử lí nghiêm", Thủ tướng nói. Bộ GTVT cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục.
Thủ tướng yêu cầu cần phân biệt việc gì Nhà nước làm, việc gì xã hội hóa để phát huy nguồn lực tổng hợp. Đối với một số dự án cụ thể như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ.
Với vấn đề khai thác bay các cảng hàng không, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn ở tất cả các sân bay; chủ động khắc phục những bất cập hiện nay ở các sân bay lớn. Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan bảo đảm hoạt động bình thường của hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, không để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến an toàn bay.
Về vướng mắc trong triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội do Bộ GTVT quản lí, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy giải quyết, chủ trì xử lí những vấn đề đặt ra.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thúc đẩy sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động; yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại, chủ trì giải quyết vấn đề về tiến độ các tuyến đường sắt khác ở Hà Nội và TP HCM.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân liên quan tổng thầu. (Ảnh: Di Linh).
Về nguyên nhân chậm tiến độ của đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đưa ra 7 nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kĩ thuật.
Thứ hai, chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài. Thứ ba, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trang Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lí, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.
Thứ tư, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế.
Thứ năm, cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập Hồ sơ thiết kế, Hồ sơ nghiệm thu thanh toán. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam dẫn đến công tác quản lí điều hành của Tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.
Thứ sáu, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lí (Hiệp định vay bổ sung được ký từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lí và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án). Cuối cùng là các qui định và chế tài xử lí đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.
Việc triển khai thu phí tự động không dừng vẫn ì ạch. (Ảnh: Di Linh).
Về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm qui định là chậm nhất đến ngày 31/12/2019, các trạm BOT phải triển khai thu phí không dừng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dùng cũng đã yêu cầu Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu ý kiến của Bộ GTVT; chỉ đạo VEC có kế hoạch sớm chuyển các trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc thuộc phạm vi quản lí sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Chính phủ cũng đánh giá trong thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, đạt kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.