Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cam kết vận hành trước tháng 1/2021

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vào tháng 1/2021.

Chiều 28/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Theo Dân trí, tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: Từ nay tới giữa tháng 11/2020, có từ 8 - 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bộ trưởng GTVT cam kết đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành trước Đại hội Đảng toàn quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 28/10. (Ảnh: TTXVN).

Theo Vietnamnet, ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được kí kết vào năm 2008. Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT.

Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.

Bộ trưởng GTVT cam kết đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành trước Đại hội Đảng toàn quốc - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy qua đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Hải Linh/ Kinhtedothi).

Theo Thủ tướng, có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được. Do đó, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật, với tinh thần: "Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình".

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lí các vấn đề đặt ra.

Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quí II/2019, tuy nhiên, đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức.

Hồi tháng 6, Thủ tướng giao Bộ GTVT sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020; báo cáo Chính phủ những vướng mắc của dự án, trình Quốc hội để có hướng xử lí,

Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.