Đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch mới giải phóng mặt bằng 21%

Đồng Nai mới có mặt bằng hơn 1,3 km trên tổng số 6,3 km của dự án thành phần 1A, thuộc dự án đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, đạt hơn 21% khối lượng giải phóng mặt bằng.

Thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A bên phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hải Quân).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, để đảm bảo tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc tuyến vành đai 3 - TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh cần được tăng tốc thực hiện.

Cuối tháng 9/2022, dự án 1A đã chính thức được khởi công thực hiện. Dự án 1A có hai gói thầu xây lắp gồm xây dựng cầu Nhơn Trạch (CW1) và xây dựng phần đường dẫn, các nút giao hai đầu cầu (CW2). Trong đó, gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch, gói thầu quan trọng nhất của dự án dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào tháng 9/2025.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư dự án), đối với gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch, hiện nay, sản lượng thi công đã đạt trên 32%, vượt tiến độ so với hợp đồng đã ký kết.

Mặc dù vậy, hiện nay, việc thi công dự án đang bị ảnh hưởng lớn bởi việc bàn giao mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành.

Đại diện Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, đến thời điểm này, mặt bằng phía TP HCM đã bàn giao 100%. Trong khi đó, ở phía Đồng Nai mới có mặt bằng hơn 1,3 km trên tổng số 6,3 km của dự án, đạt hơn 21% khối lượng giải phóng mặt bằng. So với kế hoạch, hiện nay tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án của tỉnh Đồng Nai đã chậm tiến độ khoảng 6 tháng.

Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 9, huyện Nhơn Trạch mới có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án. Như vậy, so với kế hoạch, việc bàn giao mặt bằng sẽ chậm tiến độ gần 1 năm. Điều này khiến cho dự án sẽ khó hoàn thành đúng theo tiến độ đã đề ra. Do vậy, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cũng rất mong muốn tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao sớm mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn gây thiệt hại về tài chính. Mặt khác, ở dự án này, đường và cầu đấu nối thông với nhau, nếu một bộ phận không hoàn thành sẽ không đồng bộ.

Theo đại diện Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng - Bộ GTVT, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có sử dụng nguồn vốn đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Nhà thầu thi công dự án là nhà thầu đến từ Hàn Quốc.

Do đó, nếu chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến thi công chậm tiến độ thì có nguy cơ sẽ phải bồi thường bằng tiền cho nhà thầu.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch cho biết, đối với công tác giải phóng mặt bằng của dự án 1A có khoảng 470 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, nhu cầu bố trí tái định cư là khoảng 218 hộ.

Cùng với đó, huyện Nhơn Trạch cũng đã chuẩn bị xong các khu tái định cư, đủ điều kiện để bố trí tái định cư cho người dân. Cùng với đó, hồ sơ bồi thường, hỗ trợ của tất cả các hộ dân đã cũng đã hoàn thành.

Theo lãnh đạo tỉnh, để hỗ trợ huyện Nhơn Trạch trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương cho địa phương vay số tiền khoảng 450 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ phát triển đất. Do đó, huyện cần đẩy nhanh tiến độ việc xác định giá đất cụ thể để hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.