LTS: Em Nguyễn Song Toàn (Lớp 11A1, Trường THPT Long Thới, TP HCM) sẽ phải chuyển trường vì chịu 'nhiều áp lực' sau khi phản ánh việc cô giáo 'im lặng suốt ba tháng' khiến nhiều người bất ngờ. Giáo dạy Văn Trịnh Văn Quỳnh đến từ Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) đã gửi tới chúng tôi một số ý kiến chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh, một giáo viên dạy Văn có tiếng đến từ Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định). Ảnh: NVCC. |
Cuộc gặp gỡ đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM được tổ chức để các cấp quản lí lắng nghe được nhiều hơn những chia sẻ của học sinh. Hành động này xuất phát từ việc tiếng nói của học sinh không có ai lắng nghe, học sinh không có nơi để chia sẻ khi giáo viên im lặng, hiệu trưởng không nắm bắt được thông tin.
Em Nguyễn Song Toàn đã làm đúng những gì được dạy ở nhà trường. Trước tiên việc sẵn sàng nói lên sự thật là điều đáng tuyên dương, ca ngợi. Để nói lên sự thật ấy, em còn cần có cả sự dũng cảm để sẵn sàng nói lên tiếng nói của chính mình và không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để làm điều đó như chính lời em Song Toàn có nói: “Mọi người đều sợ, chúng con đều sợ và cả thầy cô cũng vậy”.
Hành động này còn xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với tập thể, đó cũng là tiếng nói chung của cả lớp học. Em Song Toàn đã thay mặt cả lớp để giải quyết những khúc mắc giữa thầy cô và các bạn học sinh trong lớp. Em Toàn có chia sẻ sau đó: “Em đã từng nghĩ sẽ im lặng, nhưng em im lặng thì tình trạng này còn sẽ diễn ra với ai, với các em như thế nào. Các em cũng như con các em không nói, các bạn của em cũng không nói thì chúng ta phải làm gì đây?”.
Lời chia sẻ của Song Toàn cũng có một mong muốn đầy tốt đẹp, hoàn toàn không phải là một lời tố cáo, một lá đơn khiếu nại. Em Song Toàn xúc động rơi nước mắt vì muốn được giáo viên giảng bài bình thường như các bạn, em không mong muốn ai bị xử lý, ai bị trách phạt hay phải chịu trách nhiệm. Nói cách khác lời của em bắt nguồn từ tâm tư trong sáng của một học sinh.
Điều đáng mừng hơn là em Song Toàn và các bạn học sinh đã bao dung hơn trước hành động “chưa đúng đắn” từ phía giáo viên. Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo Sở, em Toàn một lần nữa bày tỏ mong muốn tốt đẹp xuất phát từ sự tôn trọng người giáo viên, sự bình yên tránh xung đột giữa các mối quan hệ.
Em Song Toàn cho biết, nếu giữa cô trò trước đây có chuyện gì không hay thì xin khép lại hết, để bây giờ cô có thể dạy dỗ và học sinh có thể học hành theo cách bình thường nhất. Hành động cô Châu và em Toàn ôm nhau thể hiện sự hòa giải, thông cảm tưởng chừng chấm dứt mọi chuyện như chính mong muốn của các em.
Câu chuyện đã tiếp tục bị đẩy đi xa hơn, khi sai phạm của cô Châu bị xử lý kỷ luật, trách nhiệm của Hiệu trưởng cũng bị xem xét kỉ luật, cô Châu có nguy cơ bị đuổi việc, còn em Toàn trước áp lực dư luận nên gia đình mong muốn chuyển trường.
Em Nguyễn Song Toàn - Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP HCM) đã khóc khi nói về 'Cô giáo im lặng'. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Tôi cho rằng, em Toàn và các học sinh lớp 11A1 vẫn mong muốn cô Châu tiếp tục giảng dạy, chỉ cần thay đổi tính tình là được. Chắc chắn với bản lĩnh, với nhận thức của em Toàn về hành động của mình, em cũng không hề mong muốn mình phải chuyển trường chuyển lớp. Đó là mong muốn, cách giải quyết của các cấp lãnh đạo, của hiệu trường và của phụ huynh.
Chính người lớn đã cho rằng lời nói của em Toàn là chưa "đúng lúc đúng chỗ", làm liên lụy đến nhiều người, thậm chí làm danh tiếng của ngôi trường sụp đổ. Có rất nhiều người liên quan, bị ảnh hưởng và tất cả đều có xu hướng đổ lỗi cho em Toàn. Giải pháp chuyển trường cho em Toàn được là cách bảo vệ em.
Bảo vệ em trước điều gì, trước sự chỉ trích của dư luận, sự cô lập của bạn bè, sự cảnh giác của giáo viên... hay là ái đó mất thiện cảm với em? Điều đó chưa xảy ra nhưng người lớn – những người có kinh nghiệm nghĩ rằng có thể xảy ra và tốt nhất là tránh xa, càng xa càng tốt.
Bỗng dưng hành động đúng đắn của em trong suy nghĩ nhiều người lại trở thành hành động có hại cho em, em trở thành người thua thiệt vì dám nói lên sự thật. Sự thẳng thắn của em trở thành sự thua thiệt thực sự. Thành ra người tốt nếu chỉ đấu tranh một mình thì chẳng bao giờ có sự thấu hiểu. Hay là đám đông đều biết nhưng muốn làm người tốt im lặng vì sợ những điều này.
Bản thân tôi và các giáo viên vẫn hằng ngày đứng lớp dạy về lòng trung thực, sự bản lĩnh, sự tôn trọng, tinh thần cống hiến... về lòng tốt, người tốt và muôn vàn những điều tốt đẹp trong sách vở. Nhưng sự việc cô giáo im lặng và nhiều sự việc xảy ra trong ngành giáo dục gần đây khiến các em hoài nghi về điều đó. Phụ huynh ở nhà dặn con cái tránh xa thị phi, đừng rước thêm họa, tự lo cho thân mình trước hay "im lặng là vàng".
Học sinh nói với nhau, chia sẻ trên các trang mạng xã hội thậm chí bày tỏ quan điểm ngay cả trong bài văn nghị luận rằng làm người tốt rất khó, nói lên sự thật thì chỉ có thua thiệt, không phải lúc nào cũng nên là chính mình, nói lên suy nghĩ của chính mình hay đi ngược với đám đông dù đúng đắn vẫn không tránh khỏi tổn thương.
Vậy nên rất nhiều học sinh luôn nghĩ rằng bày tỏ những điều đạo lý trong sách vở chỉ là nói dối, chỉ là lời sáo rỗng, sách vở với thực tế còn cách xa quá nhiều. Làm thế nào để học sinh tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống khi sự thật hàng ngày vẫn diễn ra mắt thấy tai nghe?
Vụ phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng: Làm nghề giáo, xin đừng làm những 'con sâu'
Anh Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh đã có những chia sẻ về nghề giáo sau sự việc, một ... |