Từ đêm ngày 13/3 đến rạng sáng ngày 14/3, mạng xã hội toàn cầu Facebook bị tê liệt trong nhiều tiếng liền, làm cho hàng tỉ người đang dùng mạng xã hội này tỏ ra hoang mang. Nhân cơ hội đó, lợi dụng sự cả tin của người dùng, rất nhiều chiêu trò câu tương tác đã được tung ra.
Thực chất nó là trò lừa đảo xưa như trái đất của một số Fanpage nhằm câu like, câu tương tác từ phía người dùng.
Theo thông tin lan truyền trên mạng, khi người dùng bình luận từ "bisou", nếu chữ hiện lên màu đỏ là an toàn, nếu hiện màu đen thì tài khoản của bạn đang gặp phải sự cố.
Thực chất nó là trò lừa đảo xưa như trái đất của một số Fanpage nhằm câu like, câu tương tác từ phía người dùng. Từ "bisou" trong tiếng Pháp có nghĩa là "hôn", khi người dùng bình luận từ này thì sẽ xuất hiện dòng chữ màu đỏ và hiệu ứng trái tim bay lên.
Đây là một tính năng của Facebook đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, nhiều người dùng đã vì thiếu thông tin mà làm theo những chỉ dẫn vô căn cứ này để trở thành con rối trong tay kẻ khác.
Tương tự trò bình luận chữ BFF của hơn một năm trước, nếu chữ hiện màu xanh thì Facebook của bạn được bảo vệ, nếu chữ hiện màu đen thì Facebook của bạn đã bị hack hoặc bị ai đó theo dõi. Tuy nhiên, BFF là viết tắt của từ Best Friend Forever, chứ chẳng hề liên quan gì tới tính năng bảo mật nào cả.
Những tin nhắn spam bị phát tán đi trong tối qua.
Trước sự cố sập mạng được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử Facebook, rất nhiều người tỏ hoang mang khi Facebook chưa đưa ra được một lời giải thích chính thức nào.
Lợi dụng tâm lí đó của người dùng, tối qua rất nhiều người đã gửi đi hàng loạt tin nhắn với nội dung được cho là của Mark Zuckerberg yêu cầu phải gửi tin nhắn đó đi nếu không thực hiện bạn sẽ phải trả phí để sử dụng Facebook.
Đây hoàn toàn là một hình thức spam tin nhắn vô căn cứ, và chắc chắn sẽ không có chuyện Facebook gửi thông báo bằng Messenger đến hơn một tỉ người dùng như thế. Vậy nhưng, rất nhiều người vì nhẹ dạ đã tiếp tay phát tán những tin nhắn "bẩn" như thế trên mạng xã hội.
Nhiều người khi liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn spam như thế đã vô cùng giận dữ. "Chẳng khác gì tin nhắn rác của các số điện thoại, nhiều người còn ngây thơ quá", bạn Giang, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội chia sẻ.
Các chiêu trò kể trên mặc dù đã được rất nhiều các cơ quan truyền thông đề cập đến trong nhiều năm nay, thế nhưng vẫn có những người dùng vì cả tin, làm theo mà không hay biết mình đã bị lừa.
Từ đêm ngày 13/3, một số nền tảng, ứng dụng như Facebook, Instagram và thậm chí cả WhatsApp đã hoạt động chập chờn, không thể cập nhật feeds hoặc hiển thị tin nhắn.
Điều này kéo dài đến tận sáng ngày 14/3. Vô số dân mạng Việt, đặc biệt là những người bán hàng online trên Facebook/Instagram đã đứng ngồi không yên vì việc kinh doanh bị ảnh hưởng.
Chính Facebook đã đăng tweet công nhận đây là sự cố diễn ra trên quy mô toàn cầu và khẳng định đây hoàn toàn không phải một cuộc tấn công mạng.