Người tiêu dùng Việt Nam đang ưu tiên lựa chọn các mẫu smartphone ngoại nhập hơn là các thương hiệu Việt như Vsmart, Bphone. (Ảnh: Thiên Trường).
Có thể tự mình sản xuất điện thoại là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Gần như suốt 30 năm qua, Việt Nam chỉ thuần gia công, nhưng nay đang đi lên chuỗi giá trị công nghiệp cao hơn, bằng cách bước chân vào ngành chế tạo điện tử.
Việt Nam khá thuận lợi trong những bước chuyển đổi đầu tiên của mình.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Samsung Electronic đã đầu tư 17,3 tỉ USD vào các nhà máy tại Việt Nam. Các trường công lập cũng đã thay đổi chương trình đào tạo, tập trung vào khoa học. Sinh viên tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm cho các doanh nghiệp nước ngoài và có thể hiểu rõ về các quy trình chế tạo điện thoại.
Hiện tại, Việt Nam đã có các doanh nghiệp tự sản xuất được điện thoại, chủ yếu là các mẫu Android giá rẻ. Trong đó Qphone và Bphone là những thương hiệu điện thoại nội địa đầu tiên. Hiện công ty con của tập đoàn Vingroup cũng đã bước chân vào ngành công nghiệp này, với chiếc điện thoại Vsmart, giá chỉ từ 100 USD.
Tuy nhiên, người dùng Việt Nam lại chưa mấy mặn mà với các thương hiệu điện thoại do chính người Việt sản xuất. Đơn giản là các mẫu smartphone sản xuất trong nước có giá thành đắt đỏ hơn so với những thương hiệu nước ngoài.
Maxfield Brown, thành viên cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP HCM, cho biết người Việt Nam đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm điện tử ngoại nhập.
"Điều này được thúc đẩy bởi tiền lương cơ bản đang ngày một tăng, mặc dù chỉ khoảng 171 USD/tháng".
Thương hiệu điện thoại nước ngoài tràn ngập các khu mua sắm. (Ảnh: Thiên Trường).
Công ty công nghệ BKAV đã phát triển một số điện thoại thông minh đầu tiên của mình vào năm 2017. Nhưng các mẫu Bphone, Bphone 2 của họ chưa nhận được những đánh giá tích cực từ báo chí địa phương. Theo báo giới, Bphone hiện mới chỉ bán được khoảng 12.000 các mẫu điện thoại khác nhau. CEO Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng, thừa nhận thua lỗ, nhưng vẫn nuôi tham vọng sẽ trở thành Apple hay Samsung của Việt Nam trong tương lai.
Bphone 3 được bán vào năm ngoái, 2018, giá 314 USD, đã giành được không ít lời khen ngợi của các chuyên gia về tốc độ xử lí và khả năng chống nước.
Tuy nhiên, mẫu điện thoại này không hề có mặt trong bất cứ gian hàng điện tử nào tại khu vực kinh tế sầm uất nhất cả nước, là TP HCM. Người tiêu dùng cho biết họ không biết tìm mua ở đâu.
Các công ty khác của Việt Nam như Masstel hay Mobiistar cũng đã ra mắt điện thoại. Tuy nhiên, các mẫu điện thoại của OPPO, Samsung và Sony cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng tại các cửa hàng điện tử ở trung tâm thành phố.
Thanh Võ, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty nghiên cứu công nghệ IDC, cho biết điện thoại thông minh thương hiệu Việt chỉ chiếm không quá 1% doanh số smartphone bán ra trong quý vừa rồi. Trong khi đó, Samsung đang chiếm 42,8% thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam, tiếp theo là OPPO với 23,2 % và Xiaomi là 6,5%, nhà phân tích tại IDC cho biết.
Bphone 3 được giới chuyên gia đánh giá cao về chất lượng. (Ảnh: Thiên Trường).
VinSmart, công ty con của Vingroup, đặt mục tiêu xoay chuyển cục diện này. Kể từ năm 2018, hãng này đã bán được khoảng 300.000 chiếc điện thoại thông minh Vsmart tại 5.200 cửa hàng trên cả nước.
Nhà máy sản xuất điện thoại của hãng hiện có công suất khoảng 25 triệu chiếc mỗi năm, và họ cũng đang xây dựng một nhà máy khác với công suất khoảng 100 triệu chiếc. Một số lượng điện thoại đáng kể cũng sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài, văn phòng quan hệ đầu tư của Vingroup cho biết trong một báo cáo.
Hồi tháng 7, Vsmart cũng đã kí một thỏa thuận với hãng điện thoại BQ của Tây Ban Nha, để bắt đầu bán 4 mẫu điện thoại thông minh dưới thương hiệu Vsmart tại thị trường này.
Vsmart đang cố gắng đa dạng hóa các dòng sản phẩm ở các phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào chất lượng sản phẩm, đại diện của Vingroup nói.
Doanh thu năm 2018 của Vingroup là 122.000 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận là 6.200 tỉ đồng.
Người dùng Việt Nam có xu hướng quan tâm về giá cả hơn thương hiệu. (Ảnh: Thiên Trường).
Ông Mike Lynch, CEO của công ty môi giới SSI tại TP HCM, nói về Vingroup: "Nếu họ muốn một cái gì đó, họ sẽ làm được". Ông mô tả những chiếc điện thoại Vsmast dựa trên thiết kế tham chiếu của các mẫu điện thoại Trung Quốc là có thể chấp nhận được.
Các nhà phân tích cho biết xu hướng thích mua các sản phẩm điện tử nước ngoài tại Việt Nam tương tự thị trường Trung Quốc cách đây 2 thập kỉ, khi mức thu nhập của người dân tăng lên. Các mặt hàng được ưu tiên lựa chọn thương hiệu ngoại nhập là rượu vang và đồ điện tử.
Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất trong nước chứng minh được năng lực và chất lượng sản phẩm của mình, người tiêu dùng cũng sẽ thể hiện tinh thần yêu nước bằng cách mua sắm ủng hộ. Hiện các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, OPPO, và Xiaomi đang chiếm phần lớn thị phần điện thoại nội địa.
"Tôi mong đợi một điều gì đó tương tự ở Việt Nam, khi các xu hướng ưu tiên hàng Việt quay trở lại, xung quanh tinh thần yêu nước của người Việt Nam", nhà phân tích Brown nói.
Các thương hiệu điện thoại thông minh nước ngoài cũng đang bán với giá rất thấp để người tiêu dùng Việt Nam có khả năng mua được.
"Người tiêu dùng có xu hướng để ý về giá điện thoại hơn thương hiệu", ông Thanh Võ nói. Điều đó có nghĩa là, nếu thương hiệu Việt có khả năng cung cấp những chiếc điện thoại có mức giá rẻ với chất lượng tốt ra thị trường, chắc chắn họ sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
"Hiện khi mua điện thoại, người tiêu dùng Việt Nam đang để ý tới các yếu tố như thời lượng pin, chất lượng máy ảnh, màn hình và hệ điều hành sử dụng", ông nói thêm.