Trải nghiệm bên trong cửa hàng Bphone đầu tiên tại Hà Nội

Đây là cửa hàng vật lí đầu tiên của Bphone tại Hà Nội kể từ khi hãng này ra mắt sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2015.

Bên trong Bphone Store đầu tiên tại Hà Nội có gì?

Bphone cho biết Bphone Store là nơi khách hàng có thể trải nghiệm những sản phẩm công nghệ mới nhất của hàng, đồng thời cũng là một trung tâm bảo hành chính hãng.

Bphone Store có cách bố trí, thiết kế tương tự các Apple Store của Táo khuyết, với cửa kính, bàn trải nghiệm bằng gỗ sang trọng, ghế ngồi cho khách đợi và quầy thông tin tiếp nhận bảo hành, cũng như giải đáp thông tin cho khách hàng.

IMG_20191113_112151_2

Quầy thông tin tại Bphone Store. (Ảnh: Thiên Trường).

Hiện tại Bphone Store trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy - Hà Nội) đang trưng bày 3 mẫu điện thoại từ Bphone đời đầu, Bphone 2 và nhiều nhất là Bphone 3, với 4 khu vực trải nghiệm. (Ảnh: Thiên Trường).

IMG_20191113_112106

Ngoài ra, tại đây cũng bán các phụ kiện kèm theo của Bphone, như ốp lưng, tai nghe, với giá cả rất phải chăng. (Ảnh: Thiên Trường).

IMG_20191113_112015

Khu vực ghế ngồi đợi của khách hàng khá sang trọng. (Ảnh: Thiên Trường).

Chị Hương ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên chị tới sử dụng dịch vụ bảo hành, sửa chữa của Bphone. 

"Chất lượng dịch vụ khá tốt, nhân viên thân thiện, làm việc nhanh. Tuy nhiên, vì Bphone vẫn còn mới, các phụ kiện kèm theo như ốp lưng, cường lực rất khó kiếm trên thị trường. Hơn nữa, trung tâm bảo hành, sửa chữa như này cũng hiếm, tôi phải chạy hơn 10 km mới đến được đây", chị Hương chia sẻ.

Còn theo anh Minh Huy, một khách hàng đến trải nghiệm điện thoại Bphone: "Nhìn hình trên mạng không thể đánh giá được, cầm trên tay mới thấy Bphone thiết kế đẹp và sang. Hệ điều hành cũng mượt, nhanh, tuy nhiên hệ sinh thái Bphone còn thiếu nhiều, chưa được như các hãng lớn".

Chia sẻ với chúng tôi, quản lí tại Bphone Store cho biết đa phần các khách hàng đến hoặc là để trải nghiệm sản phẩm, hoặc là để bảo hành, sửa chữa. Trong đó sửa chữa rơi vỡ là nhiều hơn cả.

Trung tâm bảo hành cũng được bố trí ngay trong phòng phía sau của quầy thông tin. Với linh kiện máy móc đầy đủ, khách hàng có thể nhanh chóng lấy máy ngay sau một vài giờ sửa chữa.

Trong những ngày đầu mới ra mắt, Bphone Store còn có dịch vụ sửa chữa những lỗi đơn giản tại nhà (nội thành Hà Nội) như thay màn hình. Ngoài ra, khách hàng cũng nhận voucher giảm giá 50% dịch vụ sửa chữa nếu mua điện thoại tại cửa hàng.

Tại sao Bphone lại tích cực mở cửa hàng?

IMG_20191113_113330_3

Một cửa hàng Bphone Store tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, CEO Bphone cho biết trong thời gian sắp tới, hãng sẽ mở các cửa hàng Bphone Store tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Điều này có vẻ đi ngược lại với triết lí công ty này theo đuổi kể từ thế hệ Bphone đầu tiên, đó là chỉ bán online trực tuyến, hoặc dựa vào các hệ thống đại lí có sẵn. Vậy vì đâu dẫn tới sự thay đổi chiến lược của thương hiệu Việt này?

Thứ nhất, đó là kênh bán hàng online có ưu điểm là chi phí rẻ, nhanh và tiếp cận được với số đông những người trẻ tuổi, phân khúc tiêu dùng màu mỡ nhất của các hãng bán lẻ. Tuy nhiên, những khách hàng không thích công nghệ, hoặc đang sống ở các khu vực nông thôn hay đô thị nhỏ thì sao? Bphone sẽ bỏ lỡ tập khách hàng này nếu chi bán hàng online.

Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc như Oppo và Vivo gần như chiếm trọn thị trường smartphone nông thôn ở Việt Nam bằng chiến lược liên kết quảng cáo với các cửa hàng điện thoại địa phương.

IMG_20191113_113219

Xuất hiện trên thị trường hơn 4 năm, nhưng thị phần Bphone vẫn còn khá thấp. (Ảnh: Thiên Trường).

Hơn thế nữa, mặc dù đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam được 4 năm, nhưng thị phần Bphone vẫn luôn lép vế với các đại gia nước ngoài như OPPO, Samsung hay iPhone. Trong khi đó, một đối thủ nội đáng gờm khác đang nổi lên, đó là Vsmart, thương hiệu điện thoại của tập đoàn Vingroup. Do đó, nếu không phải là thay đổi chiến lược bán hàng lúc này thì Bphone sẽ đợi đến bao giờ?

Ngoài ra, Bphone hiện thời cũng đã có sản phẩm phần cứng, phần mềm dịch vụ, chỉ còn thiếu những cửa hàng offline để có thể hình thành thế kiềng ba chân vững chắc. Nó sẽ là nơi gắn kết khách hàng với Bphone, là nơi người dùng có thể sờ tận tay sản phẩm trước khi đưa ra lời đánh giá dành cho thương hiệu Việt non trẻ.

Tất nhiên, để chiến thắng các đối thủ khác, Bphone không đơn giản chỉ cần mở thật nhiều các cửa hàng. Hãng cần phải có những chiến lược cạnh tranh bài bản, thông qua các hoạt động khuyến mãi hoặc truyền thông để tạo sức ảnh hưởng tới thị trường trong nước.

Đường xa mới biết ngựa hay, chiến lược mở cửa hàng Bphone sẽ còn gặp nhiều khó khăn và để đảo ngược tình thế, Bphone cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần các đối thủ đi trước.

Tag: