Lão nông “khùng”
Ông Hùng “khùng” bên mô hình nuôi cà cuống bạc tỉ của mình. |
Đó là biệt danh mà nhiều người đặt cho ông Lê Thành Tùng (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM). Gần 10 năm qua, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu để nhân giống nhiều loại côn trùng như dế, bọ cạp, cà cuống… Một công việc mà cách đây 10 năm nhiều người nói ông “gàn dở” vì lúc đó nghề bán côn trùng gần như chưa mang lại lợi nhuận cho người nông dân.
“Tôi là nông dân “rặc” nên từ nhỏ đã tiếp xúc với đủ các loại côn trùng như giun, dế, gián, bọ cạp… Lúc đó, đọc một số sách báo thấy các nước mô hình nuôi các loại côn trùng có thu nhập khá cao nên tôi tìm hiểu và nuôi mộng làm giàu từ đây. Từ đó, tôi đã nuôi khá nhiều loại côn trùng và nó đã thay đổi kinh tế của gia đình một cách rõ rệt. Cách đây gần 2 năm tôi nhận thấy cà cuống là loại cho thu nhập khá cao nên chuyển qua nghiên cứu. So với các loại côn trùng khác, cà cuống khá hiếm nên việc đi thu thập con giống cũng gặp nhiều khó khăn”.
Từ trước đến nay, việc nuôi cà cuống gần như chưa từng có ở Việt Nam vì nó nổi tiếng là loại khó nuôi. Do vậy, ngay khi bắt đầu vào việc nhân giống cà cuống, ông lại bị mọi người cho rằng “rảnh hơi”. Tuy nhiên, với niềm đam mê và khả năng phân tích thị trường một cách nghiêm túc ông đã không nản chí.
Ông Hùng cũng là người đầu tiên nhân giống cà cuống tại Việt Nam. |
“Từ nhỏ tôi đã biết con cà cuống rồi, nên xuống ao là biết liền. Ban đầu nó chích vào chân tê cứng hết cả người, mấy anh em cào mất 4 tuần mới được 5 con. Do thu thập được quá ít cà cuống nên tôi đã nghĩ ra cách để nhân giống chúng lên. Tôi nghĩ nếu cứ đi bắt ở các ao hồ về rồi bán thì số lượng sẽ rất ít mà không được bao lâu chúng sẽ tuyệt chủng. Tôi bỏ ra gần 300 triệu đồng để xây dựng hồ nước làm nơi sinh sống cho cà cuống. Vì cà cuống có đặc tính ban ngày sống dưới nước và đêm bay lên trên nên phía trên tôi làm thêm những tấm che cẩn thận. Cách làm này tuy đơn giản nhưng tôi phải nghiên cứu và phân tích gần 1 năm trời mới xong. Mô hình này khiến cho cà cuống như đang sinh sống ở các ao hồ tự nhiên nên chúng thích ứng rất nhanh”.
Để xây dựng được mô hình trên, ông Tùng cũng trải qua nhiều lần thất bại. Có những lúc vì chưa hiểu kỹ nguyên lý sống của loại côn trùng này mà ông tưởng chừng mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư. Tuy nhiên, với việc xác định “ngã ở đâu đứng lên ở đó” ông lại tiếp tục trau dồi kỹ năng và đã thành công với mô hình này. Đến nay, ông có thể tự hào ông là người đầu tiên nhân giống thành công loại côn trùng sắp tiệt chủng này tại Việt Nam.
Thu nhập bạc tỉ
Khoảng 2,5 tháng là cà cuống có thể đẻ trứng. |
Sau gần 2 năm nhân giống, trang trại của ông có khoảng 7000 con cà cuống. Trung bình mỗi ngày ông cung ứng ra thị trường khoảng 2kg. Theo ước tính khoảng 100 con/kg và mỗi kg ông bán sỉ cho các nhà hàng khoảng 4 triệu đồng. Trung bình mỗi năm trừ chi phí và công nhân ông vẫn có thể bỏ túi hàng tỉ đồng. Không dừng lại ở đó, hàng ngày ông vẫn học cách để nhân giống cho số lượng cà cuống tăng lên.
“Hương vị khi nướng cà cuống thơm rất nồng, ăn bữa sáng đến chiều vẫn còn cảm giác trong miệng. Lúc đầu khi bán ra thị trường tôi bán dao động từ 35 – 40 ngàn đồng/con. Sau này khi nguồn hàng khan hiếm nên tôi nâng giá lên 50 – 55 ngàn đồng/con. Ngoài ra, tôi còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng với giá 300.000 đồng/con”.
Đầu ra cho loại cà cuống chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn tại địa bàn TP.HCM. Một số người mua về làm kiểng, nghiên cứu. Ngoài ra, cà cuống còn có công dụng làm thuốc chữa các bệnh tè dầm cho trẻ em, hoặc kích thích sinh lý với người lớn.
Chia sẻ về bí quyết nuôi cà cuống, ông Tùng cũng không hề “giấu nghề”. Ông cho biết, Khi còn non, cà cuống giống như con gián, mình dài khoảng 7–8 cm, rộng 3 cm. Lúc này nó có màu màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với hai mắt tròn và to. Miệng cà cuống là một ngòi nhọn hút thức ăn, có 6 chân dài, khỏe. Bụng vàng nhạt có lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng. Ở dưới ngực, ngay gần phía lưng, có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài khoảng 2–3 mm, rộng 2–3 mm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống.
Cà cuống có thể chế biến làm nhiều món ăn bổ dưỡng, kích thích sinh lý. |
“Cà cuống là thuộc giống côn trùng sinh sản tốt, phát triển nhanh. Khoảng 2,5 tháng là từ con non mới nở có thể đẻ trứng. Thức ăn gồm cá, tôm, tép, dế… Loại này không kén ăn, hầu như ăn tất cả các loại thịt côn trùng, động vật. Về cách nuôi, cà cuống sinh sản chỉ 20-25 con trong một m2, trong khi cà cuống lấy thịt là 80-100 trong một m2. Chiều cao của bể nuôi từ 20-30 cm. Nếu nuôi quá nhiều con trong 1 bể sẽ dẫn đến tình trạng chúng tự ăn thịt nhau”.
Hiện, anh Tùng sở hữu 4 trang trại nuôi cà cuống. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm dế để làm thức ăn cho cà cuống, cũng như nhiều loại côn trùng phục vụ cho quán ăn của gia đình.
“Tôi thấy ở Việt Nam cũng khá nhiều người nuôi cà cuống nhưng chưa thành công. Mô hình tôi gây dựng ra tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng cho kết quả và thu nhập tốt. Nếu ai có nhu cầu cần chia sẻ kinh nghiệm thì liên hệ tôi sẽ giúp hết mình”, ông Tùng chia sẻ thêm.