Gần 1.300 doanh nghiệp bất động sản giải thể năm 2023

Trong năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 4.725 doanh nghiệp thành lập mới và 1.286 doanh nghiệp giải thể. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường.

Ảnh minh họa: Hoàng Huy.

Sáng nay 29/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023. Trong đó có đề cập tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Tính chung trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89.100 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xét theo lĩnh vực hoạt động, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có tốc độ số lượng doanh nghiệp giải thể gia tăng so với năm trước nhanh nhất.

Cụ thể, năm 2023, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 4.725, còn số lượng doanh nghiệp giải thể là 1.286. So với năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 45%, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 7,7%. Tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường.    

  Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể năm 2023 (Nguổn: Tổng cục Thống kê). 

Tại sự kiện do Batdongsan.com.vn tổ chức, Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đã chỉ ra 3 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp địa ốc còn phải đối mặt trong năm tới. Đó là dòng tiền hoạt động, đầu ra sản phẩm và nguồn nhân lực trong ngành.  

Theo thông tin do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) công bố hồi giữa tháng 12, đã có 70% môi giới nhà đất chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành trong thời gian gần đây. Trước đó, số lượng môi giới hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 300.000 người. Song, đến nay hiện chỉ còn khoảng 100.000 người tiếp tục hoạt động. 

Nói về triển vọng thị trường năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo trong báo cáo mới công bố rằng: "Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án/ mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.

Các doanh nghiệp quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khôi phục vị thế và quy mô phát triển dự án như trước đó". 

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.