Cuộc mở rộng quỹ đất của khối địa ốc ngoại năm 2023

Năm 2023, các ông lớn địa ốc ngoại như CapitaLand, Gamuda Land hay Keppel Land tiếp tục duy trì các hoạt động M&A. SkyWorld - tập đoàn địa ốc từ Malaysia đánh dấu sự hiện diện tại thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại khu đất ở quận 8. Năm qua cũng chứng kiến hàng loạt khu công nghiệp của VSIP được khởi công, chấp thuận đầu tư...

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Năm 2023, thị trường bất động sản nhìn chung vẫn trầm lắng. Quý đầu năm, thị trường tiếp đà suy thoái và được giới chuyên gia đánh giá bước vào giai đoạn đáy trong quý II. Bước sang nửa cuối năm, thị trường chưa có sự phục hồi rõ rệt, song đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực. 

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn hẳn các năm trước, thậm chí nhiều hơn cả giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đáng chú ý, 50% trong số nhà đầu tư là các tên tuổi mới trên thị trường, trước đây là Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật nhưng nay còn có cả Nam Phi, Ả Rập,…

Thời điểm đó, bà Dung tiết lộ, thị trường đã ghi nhận các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một số thương vụ nhỏ, chưa có giao dịch lớn.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến hết quý II/2023, hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu - giai đoạn tìm kiếm và khảo sát, chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.

VARS sau đó đã dự báo, các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý cuối năm nay.

"Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024.

Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại", VARS đánh giá.

Thực tế cho thấy, từ thời điểm quý III, các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động M&A, mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. 

Các thương vụ M&A của Keppel Land

Một dự án Keppel và Khang Điền hợp tác phát triển. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Vào đầu tháng 2, Tập đoàn Keppel (Singapore) và Nhà Khang Điền đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác phát triển các dự án dân cư và các khu đô thị bền vững tại TP HCM. Sau đó vào tháng 5, Keppel đã công bố thỏa thuận hợp tác với Khang Điền tại hai dự án ở TP Thủ Đức, TP HCM với tổng giá trị ước tính trên 187 triệu SGD, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Cụ thể, Keppel sẽ cùng quỹ Keppel Việt Nam (KVF) tham gia vào thương vụ. Trong đó, nhóm Keppel sở hữu 49% và Khang Điền sở hữu 51%. Đây là thương vụ đầu tư chung thứ hai của Keppel và KVF tại Việt Nam, sau khi mua lại ba khu đất ở Hà Nội vào năm 2022.

Tập đoàn Keppel và Khang Điền có kế hoạch phát triển hơn 200 căn nhà liên kế và trên 600 căn hộ cao tầng với tổng diện tích khoảng 11,8 ha. Tổng chi phí phát triển cho các dự án này (bao gồm chi phí đất đai) dự kiến vào khoảng 10.200 tỷ đồng (khoảng 600 triệu SGD).

Phần diện tích nói trên tương ứng với hai dự án mà Khang Điền công bố trước đó, bao gồm Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) đều nằm trên đường Võ Chí Công, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

Đến tháng 7 vừa qua, Keppel Land thông qua công ty con sở hữu 100% vốn là VN Prime Vietnam (VNPV) cho biết đang mua lại 65% cổ phần của một công ty sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. Khu bán lẻ này thuộc một dự án phức hợp đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Theo ước tính của phía Keppel, thương vụ này có giá trị xấp xỉ 70 triệu USD (khoảng 1.230 tỷ đồng) và sẽ tùy chỉnh dựa vào đàm phán giữa hai bên. Bên mua dự kiến sẽ thanh toán thành hai đợt bằng tiền mặt.

Keppel đã và đang tham gia vào nhiều dự án tại Việt Nam như Saigon Centre, Saigon Sports City, Empire City, The Estella, Villa Riviera, Dong Nai Waterfront City, toà nhà Vietcombank (198 Trần Quang Khải, Hà Nội),...

Bên cạnh đó, Keppel còn sở hữu cổ phần tại một số công ty bất động sản như CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), CTCP Bất động sản Nhà Bè, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (chủ đầu tư dự án Palm City).

Vào năm ngoái, Keppel đã ký thỏa thuận mua lại 49% vốn tại 3 khu đất thuộc Khu đô thị Bắc An Khánh (tên thương mại là Splendora ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) từ CTCP Địa ốc Phú Long với tổng giá trị khoảng 119 triệu USD (tương đương 2.715 tỷ đồng). Hiện hai bên đang cùng phát triển dự án tại đây với tên thương mại là Mailand Hanoi City có tổng chi phí phát triển khoảng 506 triệu USD.

Gamuda Land mua lại dự án Tâm Lực

Vị trí khu đất dự án Tâm Lực. (Ảnh: New Straits Times).

Tháng 7/2023, Gamuda Berhad  cho biết, doanh nghiệp này vừa thông qua công ty bất động sản thành viên là Gamuda Land vừa ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại CTCP Bất động sản Tâm Lực, chủ dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức, TP HCM với giá 315,8 triệu USD.

Gamuda cho biết, khu đất này là địa điểm được xây các toà nhà hỗn hợp cao tầng, đã được phê duyệt quy hoạch và đã đủ điều kiện để triển khai, dự kiến sẽ xây dựng công trình hỗn hợp cao 40 tầng gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse 51 gian hàng tại khối đế và 21 căn shophouse, tổng giá trị phát triển khoảng 1,1 tỷ USD.

Thời gian phát triển dự kiến là 5 năm, các căn hộ tại dự án này sẽ thuộc phân khúc cao cấp, giá bán 4.000 - 7.000 USD/m2. Dự án nằm tại trung tâm TP Thủ Đức, kết nối trực tiếp với Xa lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú, là cửa ngõ của đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Gamuda Land là đơn vị chuyên phát triển bất động sản thuộc Gamuda Berhad - Tập đoàn chuyên hoạt động trong mảng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở Malaysia. Gamuda Land được thành lập từ năm 1995, đến nay đang sở hữu 12 khu đô thị và 9 dự án cao ốc tích hợp quy mô lớn tại Malaysia, Singapore, Việt Nam và Úc, tổng giá trị hơn 5,5 tỷ USD. 

Gamuda Land bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, được biết đến là chủ đầu tư của hai khu đô thị lớn là Gamuda City (274 ha) tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Celadon City (82 ha) tại quận Tân Phú, TP HCM. 

Theo báo cáo tổng hợp năm 2022 của Gamuda, tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp này đang sở hữu 4 dự án bất động sản tại Việt Nam, bao gồm Gamuda City; Celadon City; Elysian và Artisan Park.

CapitaLand nhận chuyển nhượng dự án từ Becamex

Khu đất dự án Becamex chuyển nhượng cho CapitaLand. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Ngày 30/11, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới (tại các lô B8, B9, B10, B12, B13, B14, B15) thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương (Khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex IDC).

Theo đó, Becamex IDC được chuyển nhượng dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án là Công ty TNHH Sycamore, thuộc Tập đoàn CapitaLand. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu nhà ở phục vụ người dân có nhu cầu về nhà ở. 

Toàn bộ dự án có quy mô 18,9 ha, gồm tổng cộng 462 căn nhà ở biệt thự thấp tầng và khoảng 3.300 căn hộ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 592.876 m2 Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng.

CapitaLand Group (CapitaLand) là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Châu Á, có trụ sở chính tại Singapore. CapitaLand đang sở hữu danh mục các dự án phức hợp, khu bán lẻ, khu phức hợp văn phòng thương mại, dịch vụ lưu trú, khu dân cư và nhà ở, khu thương mại, khối tài sản hậu cần, khu công nghiệp và trung tâm dữ liệu tại hơn 260 thành phố và 40 quốc gia.

Hai thị trường chính của CapitaLand là Singapore và Trung Quốc, ngoài ra tập đoàn đang tiếp tục mở rộng sang các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Châu Âu và Mỹ.

CapitaLand Development (CLD) là nhánh phát triển bất động sản của CapitaLand, có nhiệm vụ tập trung vào ba thị trường cốt lõi là Singapore, Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến 30/9/2023, CLD nắm danh mục đầu tư trị giá 20,8 tỷ SGD.

Tại Việt Nam, CapitaLand hoạt động từ năm 1994, đến nay đang sở hữu một khu bán lẻ; một dự án mô hình văn phòng làm việc kết hợp chỗ nghỉ ngơi; 2 dự án phức hợp và hơn 16.000 căn hộ tại 17 dự án nhà ở.

Thêm động thái mới của Aeon Mall tại Huế, Cần Thơ, Bắc Giang

(Ảnh minh họa: Aeon Mall).

Được thành lập từ năm 1758, Aeon là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản và trên thế giới, với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. 

Aeon chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 1/2014. Hiện tập đoàn có 6 trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động ở Việt Nam, gồm: Aeon Mall Tân Phú Celadon, Aeon Mall Bình Tân (TP HCM), Aeon Mall Canary (Bình Dương), Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), Aeon Mall Lê Chân (Hải Phòng). 

Ngày 11/2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế tại Lô đất có ký hiệu TM-DV7 thuộc khu A – Đô thị An Vân Dương, thuộc phường An Đông, TP Huế. Dự san có tổng mức đầu tư 3.916 tỷ đồng với tổng diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 86.216 m2.

Chiều ngày 16/11 Aeon Mall đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 16/12, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức ở Tokyo, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Bắc Giang và Aeon Mall Việt Nam đã thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall tại TP Cần Thơ và tỉnh Bắc Giang (mỗi trung tâm trị giá khoảng 250 triệu USD).

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 5, ông Akio Yoshida - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aeon đã chia sẻ kế hoạch phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản. 

Thủ tướng đã đề nghị AEON tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại, các khu Outlet tại các khu vực ngoại thành, kết hợp mua sắm với vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Nghệ An, Tây Nguyên, Khánh Hòa, An Giang...

VSIP liên tục mở rộng quỹ đất

Quỹ đất tạm tính của VSIP. (Tổng hợp: Hà Lê).

Hồi tháng 3/2023, tại Thành phố mới Bình Dương đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VSIP với đại diện lãnh đạo 9 tỉnh thành. Theo thỏa thuận được ký kết, VSIP và 9 tỉnh, thành phố gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ.

Đến cuối tháng 8, tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Cũng tại sự kiện, VSIP được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng khởi công VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.

VSIP được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Becamex IDC. Trong 6 tháng đầu năm 2023, VSIP báo lãi sau thuế 442,3 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của VSIP đạt khoảng 24.477 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Nhìn sang một số doanh nghiệp cùng ngành, tổng tài sản của VSIP hiện chỉ kém Kinh Bắc. Cụ thể, Kinh Bắc (33.747 tỷ đồng), Viglacera (23.606 tỷ đồng), Sonadezi (22.884 tỷ đồng), Đầu tư Sài Gòn VRG (20.333 tỷ đồng), IDICO (16.898)...

VSIP hiện nằm trong top 5 ông lớn nắm trong tay hàng nghìn ha đất khu công nghiệp trên cả nước với 14 khu công nghiệp tại 10 tỉnh, thành, quy mô khoảng 11.000 ha, thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư. Nếu so với Kinh Bắc, Viglacera, IDICO, Sonadezi thì liên doanh VSIP hiện đang dẫn đầu về quỹ đất.

Thêm doanh nghiệp địa ốc Malaysia tiến vào Việt Nam

SkyWorld là tập đoàn bất động sản đến từ Malaysia. (Ảnh: The Star).

Ngày 7/9, SkyWorld Development Berhad - một tập đoàn bất động sản Malaysia cho biết, Công ty TNHH SkyWorld Development (công ty con do SkyWorld sở hữu 100% vốn) đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần có điều kiện với 3 cá nhân để mua lại toàn bộ 1,7 triệu cổ phiếu phổ thông của CTCP Sản xuất Thương mại và Kinh doanh Bất động sản Thuận Thành.

Với 100.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị giao dịch của thương vụ này là 350 tỷ đồng, tương đương khoảng 67,9 triệu MYR. Qua đó, SkyWorld mua lại khu đất có diện tích hơn 5.000 m2 tại phường 16, quận 8, TP HCM. 

Việc mua bán dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024. SkyWorld cho biết thêm, Tập đoàn này dự kiến phát triển toà nhà chung cư cao 24 tầng trên khu đất này. 

Nhà sáng lập SkyWorld - ông Ng Thien Phing cho biết, đây là liên danh đầu tiên của tập đoàn ở nước ngoài, thương vụ này đánh dấu cột mốc quan trọng của SkyWorld. Kể từ khi niêm yết hồi tháng 7, doanh nghiệp đã đặt mục tiêu tiến vào thị trường Việt Nam. Dự án tại quận 8 được kỳ vọng sẽ mang đến lợi nhuận tích cực cho tập đoàn này trong thời gian tới.

Hoạt động M&A dự báo sẽ sôi động trong 2 năm tới

Nhận định về tình hình của thị trường trong thời gian tới, Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đã giữ được sự bền bỉ cũng như sẵn sàng tận dụng các chính sách và chuyển biến kinh tế tích cực. Hai năm tới được dự kiến sẽ là giai đoạn sôi động của lĩnh vực M&A tại Việt Nam.

"Hầu hết các khoản đầu tư đến từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản. Những quốc gia này đã là những nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng cường đầu tư trong hai đến ba năm tới, bên cạnh tiềm năng từ các nhà đầu tư Trung Đông", ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam dự báo.