Gần 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng kinh doanh sang Việt Nam

Trong thời gian tới dự báo ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển trọng tâm sang khu vực Đông Nam Á để tránh thương chiến Mỹ - Trung.

Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ngày càng nhiều công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á, đồng thời thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc, trước căng thẳng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

JETRO vừa công bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm ngoái, trên 3.562 doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch đầu tư ở nước ngoài.

Kết quả cho thấy, có tới 41% trong số này, tức gần 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang xét xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Ngoài ra, có 36,3% số doanh nghiệp được hỏi khác lựa chọn Thái Lan để mở rộng sản xuất, tăng 1,5 điểm phần trăm. 48% doanh nghiệp nói rằng họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh tại Trung Quốc, giảm 7 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước.

Báo cáo của JETRO nhận định: "Kể từ năm 2018, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang khối ASEAN".

"Khoảng cách giữa số vốn đầu tư của Nhật Bản vào các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã tăng từ 10,2 tỉ yên năm 2017 lên 20,9 tỉ yên năm 2019", báo cáo viết.

Các nước ASEAN được doanh nghiệp Nhật hướng tới gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nhận xét về xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, một nhà sản xuất thép, kim loại màu và các bộ phận kim loại tại Tokyo cho biết, họ đã chuyển một phần sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lang và chuyển việc xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ qua Thái Lan.

Tương tự, một nhà sản xuất thép và kim loại màu tại vùng Shikoku, miền Tây Nhật Bản cho biết họ đang có kế hoạch chuyển các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trước bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng leo thang căng thẳng và cuộc chiến thương mại dai dẳng chưa có hồi kết, các quốc gia đang tính chuyện hỗ trợ doanh nghiệp rời Trung Quốc, đa dạng hoá nguồn cung để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hồi tháng 4/2020, Nhật Bản đã khởi động dự án "thoát Trung" trị giá nhiều tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước, hoặc sang các quốc gia khác.

Theo đó, mỗi doanh nghiệp Nhật Bản đăng kí tham gia đề án này sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ tối đa là 5 tỉ yên, để mở rộng sản xuất sang một nước thứ ba.

Số tiền hỗ trợ nhằm bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt trang thiết bị sản xuất, giúp các doanh nghiệp Nhật xây dựng cơ sở sản xuất mới.

Để nhận được khoản hỗ trợ này, doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy và được kiểm duyệt trước tháng 3/2025, với lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế hạn chót là tháng 3/2023.

Cuối tháng 7, đã có 30 doanh nghiệp Nhật Bản được nhận được khoản hỗ trợ này, trong đó có 15 công ty chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo.

Ngoài ra, cũng theo khảo sát của JETRO, có khoảng 80% doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng trong năm 2020 sẽ bị sụt giảm, do nhu cầu thu hẹp sau đại dịch.

91,4% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% doanh nghiệp có đầu tư tại Indonesia đã đưa ra nhận xét như vậy.

Đại dịch Covid-19 cũng đã làm giảm đáng kể lượng đầu tư của Nhật vào thị trường châu Á.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia giảm 75% so với cùng kì năm trước. Trong khi đó, tại ASEAN, mức giảm này là 35,5%.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

chọn
Ông chủ Keangnam Landmark 72 đang làm ăn ra sao?
Khu phức hợp Keangnam Landmark 72 được AON plc mua lại từ năm 2015. AON là tập đoàn hoạt động chính trong mảng bảo hiểm, tư vấn và quản lý rủi ro, hiện đang niêm yết trên sàn NYSE. Quý II vừa qua, AON ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt là 3,76 tỷ USD và 624 triệu USD.